Người dân đổ xăng E5 Ron 92 tại cây xăng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN |
Khó cả doanh nghiệp, người tiêu dùng
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với nguồn cung E100, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, trên thị trường Việt Nam hiện mới chỉ có 2 nguồn cung đó là từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Công ty Tùng Lâm tại Bình Dương, nên chi phí vận chuyển về Hà Nội cao. Đối với nguồn cung xăng E5, hiện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khi các cửa hàng xăng dầu chuyển đổi theo lộ trình.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện giá vốn bình quân của xăng E5 cao hơn xăng Ron 92 khoảng 400 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí pha chế, bán hàng). Ngoài ra, khi kinh doanh xăng E5, chi phí tăng thêm 200 đồng/lít do phải đầu tư trạm phối trộn, hao hụt, chi phí tạo nguồn E100… nên việc kinh doanh xăng E5 chưa đem lại hiệu quả kinh tế như với xăng Ron 92. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh xăng E5 vẫn trong quá trình hoàn thiện nên doanh nghiệp cũng chưa nhận được hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Với các cửa hàng bán lẻ, ông Thăng cũng cho biết, khi thực hiện lộ trình, các cửa hàng bán lẻ sẽ phát sinh thêm các chi phí như chuyển đổi từ RON 92 sang xăng E5, cải tạo, sửa chữa, súc rửa bể; xăng E5 có tỷ lệ tồn chứa hao hụt cao, để lâu ngày bị hút nước nên các cửa hàng cũng chưa tích cực chuyển đổi.
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến tháng 10/2016, lượng xăng E5 tiêu thụ đạt 12.680 m3, trong khi đó xăng khoáng RON 92 là hơn 108.700 m3. Trên địa bàn thành phố có 306 cửa hàng xăng dầu có diện tích dưới 300m2, chỉ 169 cửa hàng có diện tích lớn hơn 300m2. Với 306 cửa hàng có diện tích dưới 300m2, việc cải tạo, sửa chữa để bố trí thêm bể chứa xăng sinh học E5 gặp nhiều khó khăn do diện tích nhỏ, không bảo đảm khoảng cách từ bể chứa đến các công trình trong cửa hàng quy định…
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Saigon Petro cho biết, diện tích của một cửa hàng xăng dầu thường không lớn. Do đó, để chuyển đổi, cấu tạo thêm 1 trụ bơm để bán xăng E5, rồi thêm bồn bể chứa là rất khó, không có diện tích để làm, đầu tư thêm bồn bể. Do đó, nếu kinh doanh xăng E5 thì sẽ phải ngưng xăng khoáng.
Cũng theo báo cáo của Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội (PV Oil Hà Nội), đơn vị đã triển khai 17/36 cửa hàng bán xăng E5, chiếm tỷ lệ 47% số cửa hàng hiện có. Tổng sản lượng xăng E5 năm 2016 Công ty bán ra thị trường tại 17 cửa hàng đạt 10.729 m 3 trên tổng số 33.735 m 3 xăng bán ra, chiếm 32%. Đơn vị này cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai kinh doanh xăng E5. Bởi Chính phủ mới triển khai thí điểm ở một số tỉnh và chưa bắt buộc các doanh nghiệp triển khai đồng bộ việc kinh doanh xăng E5 nên hệ thống cửa hàng có bán xăng E5 cho khách hàng còn hạn chế, chưa thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận, sử dụng xăng E5. Mặt kacs, phần lớn người tiêu dùng chưa thực sự am hiểu về xăng E5 nên vẫn có tập quán sử dụng xăng truyền thống, ngại chuyển sang sử dụng sản phẩm mới.
Lộ trình sản xuất và tiêu thụ xăng E5 được Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp quyết liệt thực hiện, nhưng lại chưa được sử dụng phổ biến là do trên thị trường hiện đang tồn tại song song 2 loại xăng khoáng RON 92 và xăng E5. Theo ghi nhận tại các cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội, hiện xăng Ron 92 vẫn là mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất. Xăng E5 chỉ có một số đơn vị hành chính sự nghiệp buộc phải lấy, hoặc một số taxi sử dụng để giảm chi phí.
Cần hỗ trợ mạnh hơn cho E5
Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện các báo cáo để trình Chính phủ về lộ trình phổ biến xăng sinh học. Cụ thể đến đầu năm 2018, hoàn thành việc thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 trên toàn quốc.
Nếu lộ trình mới này được Thủ tướng Chính phủ thông qua và thực hiện quyết liệt, xăng E5 sẽ được tiêu thụ rộng rãi toàn quốc, mở ra triển vọng mới cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, tạo cho người tiêu dùng thói quen sử dụng xăng E5.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh triển khai kinh doanh xăng E5 theo đúng lộ trình, ông Lê Hồng Thăng kiến nghị cần có chính sách về giá, thuế, phí, chi phí kinh doanh xăng E5; bảo đảm khuyến khích DN bán xăng E100, E5, nhất là trong thời gian triển khai kinh doanh. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cần xem xét có cơ chế đảm bảo nguồn cung cấp xăng E5 cho các địa phương, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để việc triển khai được đồng bộ, hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ, nhà nước cần có chính sách để xăng E5 có giá thấp hơn xăng khoáng. Bây giờ đang thấp hơn khoảng 200 - 300 đồng/lít, thì phải thấp hơn nữa, khoảng 1.000 đồng/lít, để khuyến khích người tiêu dùng chấp nhận.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... việc cải tạo cây xăng để bán xăng thường sang E5 là cực kỳ khó. Vì mặt bằng là không có, trong khi doanh nghiệp phải chôn bồn xăng E5 riêng, cột bán hàng riêng, hoặc phải xây mới... Chính vì hiệu quả kinh doanh thấp, đầu tư lớn nên việc triển khai bán xăng E5 chậm chạp. Ngoài ra, vấn đề về vùng nguyên liệu cho việc sản xuất ethanol cũng gặp khó khăn. Đồng thời, phải có chính sách cụ thể để tái khởi động, việc trồng và mở rộng vùng nguyên liệu sắn sản xuất ethanol, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.
“Quan trọng hơn cả, nhà nước phải có các hỗ trợ, giúp doanh nghiệp trong việc xây dựng các cơ sở pha trộn, khuyến khích xây dựng các trạm bán xăng E5. Không chỉ Chính phủ mà các địa phương phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hạ tầng xây dựng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì chủ trương bán xăng E5 là khó thành công”, ông Ruệ nói.
Đại diện phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ cũng cho hay, phải có lộ trình quyết liệt để thực hiện từng bước. Để có được nhiên liệu trên thị trường thì đòi hỏi phải có nhà sản xuất, nhà phân phối, sự hưởng ứng của người tiêu dùng, ít nhất là 3 bên, chưa kể là cơ quan quản lý. Nhằm thực hiện mục tiêu này thì Thủ tướng Chính phủ liên tục tổ chức các cuộc họp để đánh giá thông qua báo cáo của các đơn vị kiểm tra...