Ông Nghĩa cho rằng, trong 10 năm qua, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam thường đối mặt với nhiều khó khăn như: Lạm phát phi mã, kinh tế đình đốn, nợ xấu tăng cao, thanh khoản khó khăn và khả năng sinh lời của hầu hết các ngân hàng còn thấp.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải gồng mình vừa xử lý nợ xấu, vừa tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp và mạnh dạn cho vay mới giúp rất nhiều DNVVN từng bước phục hồi và phát triển trở lại.
“Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, hệ thống ngân hàng đã có hàng loạt các sáng kiến nhằm cung ứng vốn có hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã được thực hiện có hiệu quả tại Hà Nội,TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Việc ra đời nhiều trung tâm tín dụng DNVVN hay sáng kiến cho vay hộ gia đình và hộ tiểu thương của một số ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp hiểu nhau. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng và ngược lại ngân hàng càng dễ dàng giám sát mục đích, hiệu quả sử dụng vốn vay của doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Theo các chuyên gia ngân hàng, trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi triển khai Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn.
Có một hiện tượng rất mới là NHTM giờ cho doanh nghiệp vay tín chấp với mức vay thường từ 3 tỷ trở xuống. Đây là hiện tượng lạ của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ trước đến nay chỉ có ngân hàng quốc doanh cho doanh nghiệp nhà nước vay tín chấp theo chỉ thị của Thủ tướng, chưa bao giờ ngân hàng cho doanh nghiệp tư nhân vay tín chấp mức 3 tỷ đồng.
Ông Nghĩa cho biết thêm, DNVVN mở rộng quy mô, đầu tư vào bất động sản nên tránh vì vốn liếng nhỏ, không trường vốn để thoát qua được chu kỳ kinh doanh bất động sản. Kinh doanh bất động sản có tính chu kỳ rất lớn. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng cho cho DNVVN, cho kinh tế hộ gia đình và cho vay tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và ngân hàng với ngân hàng cũng đặt ra nhiều rủi ro rất đáng quan tâm.
Cụ thể là: Rủi ro về sử dụng vốn sai mục đích, việc sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, đặc biệt là bất động sản; rủi ro về việc mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường và năng lực quản lý của DNVVN; rủi ro về quản lý vốn, quản lý tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch.
Bên cạnh việc mở rộng tín dụng cho DNVVN, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc vào quy trình thủ tục đơn thuần. Ví dụ, hệ số sử dụng công suất thiết bị, định mức tiêu hao nguyên vật liệu và chi phí nguyên vật liệu trên doanh thu, đơn giá tiền lương tiền công và chi phí tiền lương trên doanh thu… Phía doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ cho ngân hàng về các chỉ tiêu tài chính cơ bản có liên quan đến sử dụng vốn vay. Điều này vừa giúp cho ngân hàng quản lý nợ có hiệu quả; đồng thời cũng giúp doanh nghiệp quản lý vốn vay và tài chính hữu hiệu, hạn chế rủi ro.
Theo ông Nghĩa, điều các DNVVN cần lưu tâm là việc mở rộng quy mô một cách quá mức, mà không quan tâm đến quy luật của kinh tế vi mô; nếu mở rộng doanh thu quá mức thì tổng chi phí có thể còn cao hơn cả tổng doanh thu. Các nhà quản trị cần chú ý đến vấn đề minh bạch nội bộ vốn đang chưa tốt tại các DNVVN.