Trong đó đáng chú ý nhất là nhóm kim loại khi chỉ số MXV-Index Kim loại tăng mạnh hơn 1,4% lên 1.863 điểm.
Dòng tiền quay trở lại với nhóm năng lượng
Giá trị giao dịch toàn Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) duy trì ở mức hơn 2.500 tỷ đồng, ngang với phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, tỉ trọng giao dịch nhóm năng lượng tăng vọt gần 40%, bù vào mức giảm của nhóm nông sản và công nghiệp, sau khi giá dầu thô tiếp tục đà phục hồi.
Các mặt hàng kim loại quý dẫn đầu đà tăng của nhóm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng trở lại. Giá bạc tăng 1,6% lên 24,5 USD/ounce, giá bạch kim tăng mạnh 2,3% lên 1.060 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ khá nhiều khi đồng USD sụt giảm nhẹ. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm bị kìm hãm ít nhiều khi mà thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường tiền điện tử tăng trưởng mạnh.
Đồng Bitcoin quay trở lại mức 66.000 USD và có thể lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Mức lợi suất Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng nhẹ trở lại lên 1,46%, cho thấy một phần dòng tiền được rút khỏi các tài sản an toàn.
Bên cạnh đó, bạc và bạch kim cũng là những kim loại quan trọng trong công nghiệp, nên khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, giá hai mặt hàng kim loại quý ngoài được hỗ trợ do lo ngại lạm phát và triển vọng tiêu thụ trong giai đoạn sắp tới.
Các mặt hàng kim loại cơ bản cũng hồi phục tích cực trong phiên hôm qua. Giá đồng trên Sở COMEX tăng 1,3% lên 4,4 USD/pound, trong bối cảnh xuất khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng và xoa dịu những lo ngại về triển vọng của thị trường. Khối lượng hàng xuất đi tăng 27% so với so với cùng kì năm trước cho thấy các hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn ổn định dù các nhà máy phải đối mặt với chính sách phân bổ điện.
Dự trữ đồng trong các kho Sở LME đã giảm hơn một nửa kể từ cuối tháng 8 xuống còn 115.525 tấn. Trong khi các kim loại khác được hỗ trợ nhiều từ dự luật hạ tầng mới của Mỹ, thì giá quặng sắt tăng nhẹ 0,7% lên 92,1 USD/tấn do chịu ảnh hưởng tiêu cực khi Bắc Kinh vẫn duy trì cắt giảm sản lượng thép tới ít nhất là tới cuối năm nay.
Giá thép phế liệu lập đỉnh 13 năm
Trong bối cảnh thế giới thúc đẩy giảm lượng khí thải cacbon, cơ hội gia tăng thị phần đối với thép phế liệu ngày một lớn. Trung Quốc đang đi theo xu hướng này và cố gắng giảm tỉ lệ sản xuất thép từ quặng sắt, trước hết là để phục vụ cho Thế vận hội Mùa đông sắp tới.
Vài năm trước, thị trường lo ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu phế liệu khổng lồ với hệ lụy giá phê liệu sụt giảm. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra, giá phế liệu thậm chí đạt mức cao nhất trong 13 năm. Nhiều nhà sản xuất thép ở Hàn Quốc đang tăng cường tìm kiếm nguồn phế liệu của Nhật Bản. Giá thép phế liệu nhập khẩu từ Nhật hiện đạt hơn 610 USD/tấn, giá phế liệu loại A ở Hàn Quốc đạt khoảng 510 USD/tấn, tăng hơn 90% từ đầu năm tới nay.
Tiêu thụ thép phế liệu của Trung Quốc đã tăng 47% lên 137 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm nay, lượng mua phế liệu của Thổ Nhĩ Kì thời gian đó cũng tăng 33% lên 12,8 triệu tấn. Với điều kiện nguồn cung khan hiếm, MXV dự báo thép phế liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán.