Tăng tiện ích, thiết thực nâng cao hiệu quả kiểm toán
Trước làn sóng công nghệ đang thâm nhập mạnh mẽ vào các ngành, lĩnh vực là đối tượng được kiểm toán, việc cập nhật, nắm bắt xu thế công nghệ mới để ứng dụng vào hoạt động kiểm toán, từng bước đưa công nghệ trở thành công cụ hữu ích trong hoạt động kiểm toán là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.
Nhận thức rõ vai trò của công nghệ và ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Ngành, thời gian qua, KTNN đã tích cực nghiên cứu, từng bước đưa những ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán. Kết quả bước đầu từ việc ứng dụng công nghệ đã mang lại thay đổi rõ nét trong hoạt động kiểm toán so với cách thức kiểm toán truyền thống.
Dưới đây là một số trường hợp KTNN ứng dụng công nghệ để hỗ trợ công tác kiểm toán trong thời gian gần đây.
Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực đất đai đô thị thường khá phức tạp, kết quả kiểm toán không cao, nhóm kiểm toán viên (KTV) của KTNN khu vực XII đã tìm tòi các phần mềm và ứng dụng vào việc kiểm toán công tác lập quy hoạch, quản lý đất đai tại đô thị và công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án đầu tư. Điển hình như các phần mềm Global Mapper, Map Tiler hỗ trợ KTV đọc và phân tích dữ liệu số về Bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; xác định ranh giới các thửa đất và hiện trạng đất đai trên thực tế so với quy hoạch sử dụng đất...
Các phần mềm hỗ trợ đã giúp cho công tác kiểm toán của KTV được giản tiện và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với trước đây. Đơn cử, đối với việc kiểm toán nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước đây, KTV chủ yếu khai thác tài liệu, bản đồ giấy của đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, việc đọc bản đồ giấy có hạn chế là rất khó phát hiện được những sai sót khi đối chiếu giữa bản đồ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên kết quả kiểm toán chưa cao; mất nhiều thời gian đi đối chiếu ranh giới.... Trong khi đó, sử dụng các phần mềm ứng dụng để so sánh các bản đồ quy hoạch sẽ giúp KTV giảm thiểu thời gian so sánh trực tiếp bản đồ và định lượng được các phần sai lệch giữa bản đồ quy hoạch và bản đồ kế hoạch sử dụng đất.
Bên cạnh đó, khi áp dụng phần mềm để ghép nối bản đồ quy hoạch lên Hệ thống bản đồ số có định vị GPS sẽ giúp KTV xác định chính xác vị trí đất quy hoạch trên địa bàn, từ đó phát hiện các trường hợp sai phạm trong quản lý đất đai. Các phát hiện kiểm toán vì thế có tính tổng quát hơn so với phương pháp làm việc thủ công.
Điển hình là thông qua việc ứng dụng công nghệ vào kiểm toán tại thành phố Pleiku và thị xã Ayun Pa (Gia Lai) vừa qua, Đoàn kiểm toán của KTNN khu vực XII đã phát hiện: Tại thành phố Pleiku có 87 khu vực không phù hợp giữa quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất với diện tích 325,89 ha; tại thị xã Ayun Pa có 14 khu vực đất nông nghiệp đã điều chỉnh sang đất ở với diện tích 46,6 ha, việc này dẫn đến tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt.
Đối với lĩnh vực kiểm toán ngân hàng, là người trực tiếp tham gia xây dựng phần mềm chấm điểm xếp hạng tín dụng (CR-CN7), bà Nguyễn Thị Thanh Loan (KTNN chuyên ngành VII) cho biết, sau khi được ứng dụng vào kiểm toán, phần mềm đã giúp các KTV dễ dàng kiểm tra tính chính xác trong việc phân loại nợ tín dụng, xác định chi phí dự phòng rủi ro, loại bỏ rủi ro kiểm toán do sự can thiệp thủ công chỉnh sửa dữ liệu phân loại nợ tại các ngân hàng; đồng thời giúp cho Đoàn kiểm toán thống nhất phương pháp và xử lý số liệu kiểm toán khi thực hiện kiểm toán một nghiệp vụ cho nhiều đầu mối chi nhánh trong hệ thống ngân hàng.
Cùng với ứng dụng CNTT, một số ứng dụng công nghệ tiên tiến khác cũng đã được KTNN đưa vào áp dụng trong thời gian vừa qua và cho thấy hiệu quả tích cực. Trong đó, việc áp dụng công nghệ viễn thám vào kiểm toán khai thác khoáng sản tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) do KTNN khu vực VI trực tiếp thực hiện là minh chứng cho tác động của công nghệ mới đối với hiệu quả kiểm toán.
Theo nguyên Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Dương Quang Chính (nay là Chánh thanh tra KTNN), thuế tài nguyên hiện nay được thu dựa theo sản lượng tài nguyên khai thác, điều này gây bất cập lớn, vì bản chất của thuế tài nguyên phải được thu dựa trên trữ lượng tài nguyên. Do đó, trong thực tế, hiện tượng thất thoát tài nguyên vẫn xảy ra khi DN sợ phải chịu chi phí cao ở những nơi khai thác khó khăn, lại gánh thêm thuế tài nguyên nên chỉ lựa chọn những nơi có điều kiện thuận lợi để khai thác. Bên cạnh đó, với việc quản lý chỉ dựa trên sản lượng khai thác trong khi chưa có phương pháp quản lý hiệu quả về sản lượng khai thác, Nhà nước đã bị thất thu thuế tài nguyên hàng nghìn tỷ đồng.
Thực trạng này đã thôi thúc KTNN khu vực VI phải tìm ra giải pháp mới hiệu quả hơn cho hoạt động kiểm toán, đó là áp dụng công nghệ viễn thám vào kiểm toán khai thác khoáng sản. Qua đối chiếu cho thấy, từ khi thay đổi phương pháp kiểm toán đối với lĩnh vực này đã cho những kết quả đột biến trong hoạt động kiểm toán, với việc tăng nguồn thu thuế tài nguyên rất lớn so với trước khi áp dụng công nghệ mới.
Theo ông Dương Quang Chính, bằng việc sử dụng kết quả tính toán của công nghệ này, KTNN đã chỉ ra những căn cứ để xác định ranh giới khai thác, sản lượng thực tế của khoáng sản đã khai thác, ngăn chặn nguy cơ khai thác trái phép, gây thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường. Qua các kết quả thu được, công nghệ viễn thám đã góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, giúp cho KTNN nâng cao vai trò và tiếng nói của mình trong việc bảo vệ tài sản công.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ viễn thám vào kiểm toán khai khoáng nói trên, thời gian qua, KTNN cũng đã đưa một số ứng dụng tiên tiến vào hoạt động kiểm toán, như: ứng dụng công nghệ siêu âm bê tông; phần mềm phân tích, xử lý dữ liệu lớn về nghiệp vụ và tài chính (phần mềm CAAT’s)...
KTNN chuyên ngành VII là đơn vị đã áp dụng phần mềm CAAT’s để phân tích, xử lý dữ liệu lớn về nghiệp vụ và tài chính tại một số cuộc kiểm toán đối với ngân hàng thương mại. Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính có lồng ghép kiểm toán CNTT của 03 Đoàn kiểm toán ngân hàng thương mại đã có những phát hiện lớn về số liệu và kiến nghị chỉnh sửa hoàn thiện nhiều lỗi và rủi ro của hệ thống CNTT như: phát hiện dữ liệu phân loại nợ, tính dự phòng rủi ro chưa chính xác, không đúng quy định, kết quả số liệu kiểm toán tăng đáng kể, tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 597 tỷ đồng, tăng 59% so với kiến nghị xử lý tài chính các ngân hàng thương mại giai đoạn trước đó.
Việc ứng dụng công nghệ mới đã giúp cho hoạt động kiểm toán được hiệu quả hơn rất nhiều so với trước. Không dừng lại ở con số kiến nghị xử lý tài chính được phát hiện lớn hơn gấp nhiều lần so với trước, các phát hiện kiểm toán qua việc ứng dụng phần mềm mới đều được các đơn vị được kiểm toán tâm phục, khẩu phục và chấp hành thực hiện 100%.
Tăng cường áp dụng các công cụ mới trong giai đoạn tới
Những kết quả bước đầu của việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào trong hoạt động kiểm toán không những góp phần tăng thêm tiện ích cho công tác kiểm toán của KTV, giúp nâng cao hiệu quả kiểm toán, mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới, sáng tạo của hoạt động kiểm toán trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, để các công nghệ này thực sự trở thành công cụ tạo sức lan tỏa và có thể ứng dụng rộng rãi hơn trong hoạt động kiểm toán đòi hỏi KTNN cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện.
Theo ông Dương Quang Chính, kết quả từ việc áp dụng công nghệ viễn thám vào kiểm toán khai thác khoáng sản tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã cho thấy khả năng ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong kiểm toán hoạt động khai thác khoáng sản là hoàn toàn khả thi. “Để áp dụng thành công, cần phải có nghiên cứu chi tiết, cụ thể từ việc lựa chọn công nghệ phù hợp, đến việc xây dựng quy trình, thủ tục và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho từng đối tượng, từng cuộc kiểm toán” - ông Chính cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, để việc ứng dụng các phần mềm mới vào hoạt động kiểm toán được hiệu quả thì cần có đội ngũ nhân lực vừa tinh thông về chuyên môn kiểm toán, vừa có hiểu biết về CNTT để có thể phối hợp với các chuyên gia công nghệ phát triển các ứng dụng CNTT, tăng tính chủ động trong quá trình kiểm toán. Do đó, để đưa các công nghệ mới trở thành công cụ kiểm toán hữu hiệu, hiện nay KTNN đang rất tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ sung nhân sự kiểm toán có hiểu biết về CNTT; chú trọng đầu tư phát triển các công cụ phần mềm hỗ trợ KTV, đồng thời đầu tư trang thiết bị công nghệ đặc thù đáp ứng yêu cầu kỹ thuật kiểm toán.
Thực tiễn thời gian qua đang đặt ra những vấn đề bức thiết nhằm ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới và biến đây trở thành công cụ quan trọng trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Để làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động CNTT của KTNN trong thời gian tới phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển xã hội số, nền kinh tế số ở Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã phê duyệt Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược cũng xác định lộ trình phù hợp sớm chuyển quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số và phương thức kiểm toán dữ liệu lớn của các công nghệ số tiên tiến, tiêu biểu là dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT) thông qua việc: số hóa, tích hợp dữ liệu để tạo ra dữ liệu đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán và tổ chức tốt các dữ liệu này; dùng công nghệ số, đặc biệt trí tuệ nhân tạo để phân tích và sử dụng nguồn dữ liệu cho hoạt động kiểm toán.
Đáng chú ý, dự thảo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030), tầm nhìn đến 2035 đang được KTNN xây dựng cũng xác định một trong bốn nội dung cơ bản toàn Ngành cần tập trung thực hiện là: Phát triển KTNN phải gắn với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, trong đó việc ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của KTNN phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong cả trước mắt và lâu dài.
Những định hướng về ứng dụng khoa học công nghệ của KTNN, trọng tâm là trong hoạt động kiểm toán luôn được thể hiển xuyên suốt trong các chiến lược phát triển, các văn bản chỉ đạo của Ngành đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của KTNN trong việc hội nhập, chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các lợi thế và giảm thiểu tác động tiêu cực của Cách mạng công nghệ 4.0.
Thông qua việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động kiểm toán nói riêng của KTNN còn thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt của KTNN trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Bên cạnh vai trò điều hành hoạt động của tổ chức ASOSAI, KTNN Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình với các tổ chức kiểm toán quốc tế, các thành viên ASOSAI về quyết tâm đổi mới mình bằng những cam kết và hành động cụ thể.
Các bước sử dụng phần mềm Global Mapper kết hợp với ứng dụng Map Tiler trong hoạt động kiểm toán công tác lập và quản lý quy hoạch sử dụng đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Việc kết hợp phần mềm Global Mapper với ứng dụng Map Tiler sẽ giúp mang lại hiệu quả cao nhất trong việc kiểm toán công tác lập và quản lý quy hoạch sử dụng đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đơn cử, đối với việc kiểm toán công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cách thức sử dụng phần mềm, ứng dụng được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Thu thập các file mềm về bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính trước thời điểm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; file mềm bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính phục vụ công tác thu hồi đất tại dự án;
Bước 2: Kiểm tra đảm bảo tính đồng nhất về cơ sở toán học, hệ quy chiếu của các bản đồ địa chính trên (cùng hệ tọa độ VN-2000). Trường hợp không cùng hệ quy chiếu thì phải chuyển đổi về cùng hệ quy chiếu, tuy nhiên trường hợp này thường dẫn đến có sai số;
Bước 3: Sử dụng phần mềm Global Mapper để mở các bản đồ địa chính trên, vì cùng cơ sở toán học và cùng hệ quy chiếu nên các bản đồ này sẽ chồng, ghép nối với nhau; Đối soát lại với thực tế bằng sử dụng chức năng tích hợp bản đồ vệ tinh, có thể trích xuất bản đồ tổng (sau khi đã chồng, ghép các bản đồ địa chính trên) để sử dụng trên điện thoại di động qua ứng dụng Map Tiler phục vụ công tác kiểm tra thực địa tại hiện trường; Trên cơ sở so sánh giữa bản đồ địa chính mà địa phương đang quản lý và bản đồ địa chính phục vụ công tác thu hồi đất xác định được các phần diện tích chồng lấn với đất sông ngòi, đất đang được nhà nước quản lý và đất vắng chủ;
Bước 4: Đối soát lại các hồ sơ địa chính (bản đồ địa chính đo vẽ bằng tay hoặc với hệ tọa độ Hà Nội - 72, sổ mục kê, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ có diện tích chồng lấn) trước khi địa phương thực hiện lập dữ liệu quản lý đất đai để xác định tính pháp lý của các diện tích chồng lấn trên./.