Hiện xếp thứ 5 ở giải Ngoại hạng Anh sau thất bại trước Tottenham (2-1), Arsenal cũng vừa bị Bayern Munich loại ở vòng 1/8 Champions League. Nhưng bất chấp những thành tích đáng thất vọng đó, “Các pháo thủ” thành Luân Đôn vẫn được quan tâm bởi một nhóm các nhà đầu tư Cata và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
“Các pháo thủ” có thể sắp sang tay chủ mới. |
Theo thông tin của giới truyền thông Anh, các chủ sở hữu hiện nay của Arsenal đã nhận được một đề nghị mua lại CLB trị giá 1,5 tỷ bảng (khoảng 1,7 tỷ euro). Cho tới thời điểm này, đó là một con số kỷ lục đối với một đội bóng chuyên nghiệp.
Nhiều người hiện tin rằng, khả năng xuất hiện của các nhà đầu tư tới từ vùng Vịnh sẽ cho phép HLV Arsene Wenger mua những cầu thủ lớn, qua đó có thể giúp CLB giành danh hiệu đầu tiên kể từ năm 2005. Người ta cũng không ngừng so sánh vụ việc này với sự kiện Paris Saint-Germain được mua lại bởi Qatar Sports Investments (QSI), quỹ đầu tư đã làm thay đổi căn bản vị thế của đội bóng Thủ đô nước Pháp chỉ trong vòng không đầy 2 năm trở lại đây.
Nền tảng tài chính vững vàng
Tuy nhiên, QSI chỉ phải bỏ ra không đầy 100 triệu euro để sở hữu PSG. Còn tình hình tài chính hiện nay của Arsenal hoàn toàn khác so với PSG ở thời điểm đội bóng Pháp được mua lại năm 2011. PSG khi đó thâm hụt ngân sách liên miên trong nhiều năm, trong khi báo cáo tài chính của Arsenal luôn mang sắc xanh, dù họ trắng tay danh hiệu từ 8 năm nay.
Trong bối cảnh các CLB bóng đá châu Âu đang thua lỗ trầm trọng, những khoản lợi nhuận của Arsenal là rất đáng mơ ước. Ví dụ như trong mùa giải 2011-2012, lợi nhuận trước thuế của họ là 36,6 triệu bảng (khoảng 45 triệu euro). Đặc biệt, lợi nhuận của Arsenal có tính lũy kế, bởi họ đã không thua lỗ kể từ mùa giải 2001-2002.
Trong 10 năm trở lại đây, Arsenal tổng cộng đã lãi hơn 245 triệu bảng. Điều này giải thích tại sao mức giá đề nghị dành cho Arsenal lại lớn hơn gấp nhiều lần so với PSG. Nếu không như vậy, làm sao có thể thuyết phục được các cổ đông chính của Arsenal chấp nhận bán đi “con gà đẻ trứng vàng” của mình?
Lựa chọn “thương hiệu”
Việc đưa Arsenal vào tầm ngắm đã khẳng định chiến lược của người Cata và UAE: Đầu tư vào những thị trường trọng điểm và có sức lan tỏa. Không ngạc nhiên khi tiếp sau Pari là Luân Đôn, bởi sở hữu một đội bóng ở Thủ đô nước Pháp và Anh là một nước cờ rất khôn ngoan. Những khoản đầu tư vào các địa chỉ này sẽ gây tiếng vang về mặt truyền thông và mang tính biểu tượng. Nhảy vào Luân Đôn coi như là nhảy vào nước Anh!
Luân Đôn có rất nhiều CLB bóng đá, nhưng Arsenal lại được nhắm đến. Đó là vì ngoài Chelsea thì không đội bóng nào ở đây có thể so sánh với Arsenal về danh tiếng, kể cả khi Tottenham đang làm thay đổi cán cân ở Bắc Luân Đôn trong vài năm trở lại đây. Mà Chelsea thì hiện thuộc sở hữu của tỷ phú người Nga, Roman Abramovich.
Càng không ngạc nhiên nếu biết rằng cả Arsenal và PSG đều đang được tài trợ bởi Emirates, hãng hàng không lớn nhất của UAE. Nếu như vụ mua bán Arsenal được hoàn tất trong thời gian tới, không nghi ngờ gì việc hàng trăm triệu euro sẽ được đổ vào thị trường chuyển nhượng, giống như tại PSG. Arsenal khi đó sẽ có thể tuyên chiến với các đối thủ tại Champions League, rằng “Chúng tôi sẽ trở lại và lợi hại gấp bội”.
Mặc dù vậy, một vài câu hỏi cũng đang được đặt ra. Ví dụ như danh tính chính xác của các nhà đầu tư Cata và UAE là gì? Nếu mua Arsenal cũng là QSI thì quy định của UEFA có cho phép cả Arsenal lẫn PSG cùng đá ở Champions League? Hay tương lai nào cho Wenger? Tiêu hàng trăm triệu euro trên thị trường chuyển nhượng không giống với phong cách xưa nay của HLV người Pháp này
Nhưng tóm lại, dù UEFA có thích hay không thích và dù quy định về Fair-Play tài chính sắp có hiệu lực, thì có một điều chắc chắn là các quốc gia Trung Đông đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng đối với bóng đá châu Âu.
Bảo An