Thu nhập của VĐV quần vợt: Lên cao vút, xuống mất hút

Được xem là môn thể thao “quý tộc”, quần vợt mang trên mình một hình ảnh vô cùng quyến rũ, nơi tiền có thể... chảy thành sông. Tuy nhiên, phía sau Roger Federer và Maria Sharapova là một góc khuất mà không nhiều người được biết.


Những VĐV như Sharapova kiếm được rất nhiều tiền từ quảng cáo. Ảnh: zimbio


Một VĐV quần vợt kiếm được bao nhiêu? Câu trả lời dao động giữa “khổng lồ” và “chẳng có gì cả”. Điều này được thấy trước tiên qua thống kê: trong số 1.800 tay vợt nam chuyên nghiệp và 1.400 nữ, chỉ có khoảng 10% sống được bằng nghề và khi một tay vợt bị đẩy khỏi vị trí thứ 200 thế giới (thậm chí là một vị trí cao hơn đối với nữ), họ thường bị mất tiền, thay vì kiếm được dù chỉ một chút gì đó.


Ở đỉnh của kim tự tháp, người ta bơi trong sự giàu sang. Năm 2012, tay vợt nam số 1 thế giới, Novak Djorkovic, kiếm được 9,7 triệu euro, trong khi người dẫn đầu bảng xếp hạng WTA (nữ), Victoria Azarenka, kiếm được 6 triệu euro. Người ta có thể nhân số tiền này lên gấp 4 lần nhờ các hợp đồng tài trợ, quảng cáo, các khoản tiền bảo hiểm ở các giải đấu, cũng như tiền tham dự các giải biểu diễn.


Đó thực sự là một thế giới khác, bởi phần lớn các cây vợt đứng ngoài nhóm có thứ hạng cao đều phải hài lòng với những miếng bánh rơi vụn, nhất là khi các nhà quảng cáo đều nhắm vào các tay vợt hạt giống.


“Một tay vợt ngoài Top 20 thường không có thu nhập nào khác ngoài tiền thưởng từ các giải đấu”, tay vợt Sergiy Stakhovsky người Ucraina (hạng 103 thế giới) cho biết.


Những tay vợt xếp hạng từ 90 đến 100 kiếm được trung bình 202.970 euro (trước thuế) tiền thưởng trong năm 2012. Đối với một tay vợt xếp hạng 150, thu nhập của anh ta là 75.000 euro/năm. Hạng 200 thì kiếm được 20.780 euro.


Từ những khoản tiền này, nếu trừ đi các loại thuế (có khi lên tới 30%), chi phí di chuyển (rất cao đối với một môn thể thao thi đấu ở khắp các châu lục), tiền ăn, tiền khách sạn và với một số người còn kèm theo một HLV, thì cuối cùng, túi tiền của họ có thể bị... âm.


Nếu không có sự trợ giúp của một liên đoàn, một nhà tài trợ hay từ gia đình, mọi chuyện sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể những tay vợt này có khi còn phải kéo dài mùa giải với những trận đấu cho đội tuyển quốc gia.


“Tôi đã phải bỏ tiền túi để trang trải cho giải đấu của mình ở Australia”, tay vợt người Pháp hạng 152 thế giới, Marc Gicquel, cho biết.


So với những môn thể thao khác, điều này thực tàn nhẫn. Trong bóng đá, nếu đứng thứ 100, bạn đã là một ngôi sao. Trong bóng rổ, thứ hạng đó cho phép bạn chơi ở giải NBA. Trong môn golf, người xếp hạng 144 thế giới kiếm được 1 triệu USD trong năm 2012. Tương tự như vậy, một VĐV bóng ném cũng sống tốt hơn một tay vợt tennis cùng thứ hạng.


Không có lương cố định, thu nhập của các tay vợt tennis phụ thuộc hoàn toàn vào thành tích thi đấu. Và nếu chẳng may bị chấn thương, thu nhập của họ nhanh chóng tụt xuống vạch đỏ.


Xếp hạng 130 thế giới, Claire Feuerstein kiếm được 71.317 euro trong năm 2012. Một khi trừ thuế và các chi phí, cô hầu như chẳng còn lại gì và tay vợt người Pháp đã phải đi vay tiền hồi tháng 6 vừa qua để tiếp tục thi đấu. Khi đó, cô chỉ còn lại 200 euro trong tài khoản.


Một câu hỏi luôn được đặt ra là liệu các tay vợt có cần phải xuất thân từ một gia đình khá giả để bước chân vào sân chơi chuyên nghiệp? Đây là một thực tế bởi người ta bây giờ mất 4,5 năm để lọt vào Top 100 (4 năm đối với nữ), trong khi thời gian này năm 1990 chỉ là 2,6 năm (1,4 năm đối với nữ). Đó là chưa kể sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt (34 quốc gia đang có đại diện trong Top 100 tay vợt nam).


Đúng là mọi tấm huy chương đều có mặt trái của nó!


Bảo An(theo AFP)


Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN