Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng về những dự định lớn của thể thao Việt Nam trong năm mới 2019.
Năm 2018, thể thao nước nhà đã ghi nhiều dấu ấn vàng, vậy ông có thể nói đôi nét về những dấu ấn này?
Năm 2018 có thể nói là năm thành công của thể thao Việt Nam cả về công tác quản lý nhà nước đến công tác chuyên môn. Trong đó, dấu ấn nổi bật là việc Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những người làm công tác thể thao.
Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam đã giành được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam giành ngôi vị Á quân tại Vòng chung kết U23 châu Á 2018 diễn ra tại Trung Quốc; Đội tuyển Olympic Việt Nam tiến sâu vào bán kết Đại hội thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018); giành chức vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á 2018 (AFF Suzuki Cup 2018) sau 10 năm chờ đợi... Thành tích của các cầu thủ bóng đá đã làm nức lòng người hâm mộ nước nhà.
Ngoài ra, thể thao người khuyết tật Việt Nam năm 2018 cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khi giành 8 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc và 24 Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á 2018 (ASIAN Para Games 2018). Đặc biệt, tại kỳ Đại hội châu lục này, Đoàn Thể Thao người khuyết tật Việt Nam tham dự chỉ với 56 vận động viên và tranh tài ở 7/18 môn. Bằng nghị lực phi thường, các vận động viên khuyết tật Việt Nam đã giành thành tích vượt mong đợi. Đặc biệt, môn cử tạ có 4 vận động viên tham gia, tất cả đều giành huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng. Những tấm huy chương này là kết quả xứng đáng cho những con người luôn vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường.
Bên cạnh đó, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 kết thúc tốt đẹp. Với sự góp mặt của hơn 7.000 vận động viên thuộc 65 đơn vị, tỉnh, thành, ngành, Đại hội đã trở thành cuộc vận động lớn trong cả nước về thể dục thể thao. Tại Đại hội, các vận động viên đã nỗ lực, quyết tâm thi đấu giành thành tích cao, phá 199 kỷ lục, trong đó có 151 kỷ lục Đại hội, 48 kỷ lục quốc gia ở các môn: Điền kinh, Bắn cung, Bắn súng, Bơi, Lặn và Cử tạ.
Tiếp nối những thành công trên, thể thao Việt Nam có những định hướng gì trong năm mới Kỷ Hợi 2019, thưa ông?
Phát huy thành tích đã đạt được, năm Kỷ Hợi 2019, ngành Thể dục Thể thao nước nhà tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để nâng cao thành tích các môn thể thao trọng điểm, phấn đấu đạt thành tích cao tại SEA Games 30, Para Games 10 tại Philippines; Đại hội Thể thao bãi biển thế giới lần thứ 1 tại Mỹ; vòng loại Olympic, Paralympic 2020 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới.
Đặc biệt ở môn bóng đá nam, các đội tuyển Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng, hướng ra các sân chơi châu lục và thế giới, phấn đấu giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản.
Ở cấp đội tuyển trẻ, ngành phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phấn đấu nâng thành tích cho các đội tuyển bóng đá ở các cấp độ, tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo bóng đá trẻ, đặc biệt là các tài năng bóng đá để xây dựng lực lượng kế cận, bổ sung cho các đội tuyển quốc gia…
Cùng với đó, trong năm Kỷ Hợi này, ngành tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục thể thao, nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa. Thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại, tập trung nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm, hướng tới thành tích cao tại các giải đấu châu lục và thế giới. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật đã phát triển mạnh và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, đưa vào thi đấu trong các giải khu vực, thế giới…
Năm 2019, SEA Games 30 sẽ diễn ra tại Philippines dự báo có sự biến động về nội dung thi đấu, ngành đã đặt mục tiêu gì tại đấu trường này, thưa ông?
Chương trình thi đấu ở Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019 (SEA Games 2019) sẽ rất khó khăn cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Tính tới thời điểm này, nước chủ nhà Philippines đã công bố tổng cộng 56 môn, với 63 phân môn, 523 nội dung thi đấu, thu hút khoảng 8.000 vận động viên thuộc 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực tham dự. Tại kỳ Đại hội này, rất nhiều môn thể thao mới được đưa vào tranh tài, trong đó hầu hết là các môn thể thao dân tộc ở các nước mà Việt Nam không có. Bên cạnh đó, nhiều môn thể thao và nội dung thế mạnh của Việt Nam bị cắt giảm hoặc không đưa vào thi đấu như bắn súng, thể dục dụng cụ, điền kinh...
Tuy nhiên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng tham dự, cùng những thành tích đã đạt được trong những năm qua đã giúp cho các vận động viên vững tin. Tại kỳ SEA Games lần này, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ có khoảng 500 thành viên, tranh tài ở 36 môn, 42 phân môn và tranh tài 350 nội dung thi đấu. Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu giành 65 Huy chương Vàng trở lên để xếp ở vị trí thứ ba chung cuộc. Đồng thời, Việt Nam sẽ cố gắng giành thành tích tốt tại các môn thể thao Olympic trọng điểm, các môn mà thể thao Việt Nam đang có thế mạnh.
Nhân dịp đầu Xuân năm mới Kỷ Hợi 2019, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao, tôi xin gửi tới các cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và toàn thể những người đã, đang công tác trong lĩnh vực thể dục thể thao lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các vận động viên mạnh khỏe, chuyên cần tập luyện, cố gắng phấn đấu để giành những thành tích cao nhất, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng.