Paris SG đã đạt được thỏa thuận với một hãng du lịch Qatar, mang lại cho họ khoảng 150 – 200 triệu euro mỗi mùa. Đây được xem là một cách để đội bóng thủ đô nước Pháp “lách” quy định về công bằng tài chính của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).
Người Qatar đang "đỡ đầu" PSG. Ảnh: psg.fr |
Trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng hiện nay, PSG là một trong số ít đội bóng vẫn đang đầu tư mạnh mẽ vào thị trường chuyển nhượng. Trong mùa hè vừa qua, họ thậm chí còn qua mặt những chuyên gia mua sắm như Chelsea, Manchester City, Real Madrid... để trở thành đội bóng chi tiêu rộng rãi nhất châu Âu (khoảng 150 triệu euro).
Sự mất cân bằng thu chi là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy ở PSG, nhưng khác với một Malaga vừa bị UEFA “phạt thẻ đỏ” (cấm thi đấu Cúp châu Âu trong 4 năm tới), đại diện của Ligue 1 vẫn đang... nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này chỉ có thể được giải thích bằng những bản hợp đồng dạng hợp tác, liên kết mà các chủ sở hữu người Qatar đang mang lại cho PSG.
Mới nhất, theo nguồn tin của Le Parisien (Pháp), PSG vừa ký được một hợp đồng với Qatar Tourism Authority (QTA). Hợp đồng khổng lồ này kéo dài 4 năm, tới năm 2016, nhưng nó không phải là hợp đồng tài trợ, cũng không phải để mua tên sân Parc des Princes, mà nó nằm trong một chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh của Qatar.
QTA là ai?
QTA là một công ty phụ trách việc phát triển các hoạt động du lịch của Qatar. Được thừa nhận là một hãng du lịch quốc gia với quyền lực mở rộng, QTA chuyên tổ chức các sự kiện trong nước cũng như ngoài nước nhằm phát triển hình ảnh của quốc gia Trung Đông này. Mục đích cuối cùng? Đó là tăng số lượng khách du lịch tới Doha.
Sự xuất hiện của PSG bên cạnh QTA nằm trong lô-gích này. Với bộ mặt thể thao đang được cải thiện, PSG sẽ nắm vai trò đại sứ của QTA. Trái ngược với Qatar Sports Investments (QSI) – chủ sở hữu PSG hiện nay – QTA không phải là một quỹ đầu tư. Nhưng hai công ty này lại có một điểm chung: họ cùng gắn liền với Hoàng gia Qatar. Tân chủ tịch của QTA, Issa bin Mohammed al-Mohannadi, đã được đích thân người đứng đầu Nhà nước Qatar bổ nhiệm hồi tháng 5 vừa qua.
Những điều khoản nào đã được ký kết?
Hợp đồng giữa QTA với PSG kéo dài tới năm 2016 và có hiệu lực đối với cả năm 2012, cho phép đội bóng thủ đô nước Pháp bù lỗ cho mùa giải 2011/12. Một điểm quan trọng khác trong hợp đồng là nó có tính chất lũy tiến. Mùa này, QTA dự kiến đầu tư khoảng 150 triệu euro, nhưng nó có thể tăng dần lên mức 200 triệu euro trong những mùa giải tiếp theo nhờ sự lồng ghép các khoản tiền thưởng (tham dự Champions League, chức vô địch...), giống hệt như những điều khoản trong các hợp đồng cầu thủ hiện nay.
Một cách “lách luật”
Trong bản báo cáo quý mà PSG vừa trình lên DNCG (Ban kiểm tra quản lý tài chính quốc gia), PSG đã dự kiến quỹ lương của họ sẽ đạt mức 200 triệu euro (chưa tính thuế) trong mùa giải 2014/15. Nếu như DNCG không thể nói gì về bản hợp đồng khổng lồ trên của PSG, thì đó là do họ cho rằng tiêu chuẩn cân bằng thể thao tại Ligue 1 vẫn được tôn trọng. Cơ quan “cảnh sát kinh tế” này cho rằng PSG không phá hỏng sức cạnh tranh tại sân chơi hình lục lăng. Tỉ lệ giữa ngân sách của PSG so với các CLB khác của Ligue 1 cũng không lớn hơn so với những gì đang tồn tại ở Anh hay Tây Ban Nha. Ngoài ra, DNCG cũng nhấn mạnh rằng, với mức lương 200 triệu euro cho năm 2014, PSG cũng nằm trong tiêu chuẩn như Man City (235,6 triệu euro) hay Chelsea (216,4 triệu euro).
Vấn đề bây giờ chỉ còn là UEFA sẽ phản ứng ra sao trước bản hợp đồng 9 con số này của PSG. Mùa hè vừa qua, các nhà lãnh đạo PSG đã phải ra điều trần về sự fair-play tài chính của mình – một điều luật mới được áp bởi UEFA. Kể từ mùa giải 2013/14, UEFA sẽ yêu cầu các đội bóng phải cân bằng được nguồn thu và nguồn chi. Hợp đồng của PSG với QTA chắc chắn đã được nghiên cứu nhằm thỏa mãn những điều luật mới của UEFA.
Bảo An (theo Le Parisien)