Thị trường chuyển nhượng hè 2012 đã khép lại và thương vụ khiến dư luận xôn xao nhất là vụ Robin van Persie (ảnh) chuyển từ Arsenal sang Manchester United. Ban đầu, người ta bất ngờ trước việc thủ quân của một đội bóng này lại gia nhập kình địch lớn nhất. Kế đến là cảm giác khó hiểu khi M.U, vốn trọng dụng chính sách đầu tư vào các tài năng trẻ, lại chịu chi ra số tiền khá lớn là 24 triệu bảng để mua một cầu thủ đã 29 tuổi, chấp nhận trả mức lương cao hàng đầu ở Premier League cho tiền đạo người Hà Lan. Vậy đâu là nguyên nhân khiến M.U mua van Persie?
Thứ nhất, M.U quyết giành lại vương miện Premier League sau khi đánh mất nó vào tay đối thủ láng giềng Man City ở mùa trước. Từ xưa đến nay, ở thành Manchester, Man Đỏ luôn là số 1. Nhưng bây giờ, màu xanh đã trở thành màu của sự thống trị. Cảm giác tức tối là có thật khi mà cách đây 2 năm, Sir Alex Ferguson còn tuyên bố hùng hồn rằng "Man City không bao giờ là cửa trên chừng nào tôi còn tại vị".
Man City với nguồn tiền gần như vô hạn từ giới chủ Arập, không che giấu tham vọng thống trị nước Anh, không chỉ một mùa, mà dài hạn. M.U của Sir Alex không muốn điều đó xảy ra. Mất chức vô địch 1 mùa thì còn chấp nhận được, chứ đến mùa thứ hai thì nỗi lo lắng sẽ xuất hiện ở Old Trafford. Không loại trừ khả năng M.U sẽ lụn bại như Liverpool trước đây.
Đã xuất hiện tin đồn Sir Alex thông báo với ban lãnh đạo M.U rằng ông sẽ làm việc thêm 2 năm nữa thôi. Trước khi rút lui, để tạo nền tảng vững chắc cho người kế nhiệm, Sir Alex muốn xây dựng một đội bóng hùng mạnh, vừa phục vụ cho mục tiêu trước mắt, vừa hướng đến tương lai lâu dài. Ông đã đưa về sân Old Trafford hàng loạt gương mặt trẻ như Phil Jones, Chris Smalling... nhưng vẫn cần những ngôi sao giàu kinh nghiệm như van Persie để gặt hái thành công trong ngắn hạn.
Với quan điểm giành lại ngai vàng bằng mọi giá, M.U mới mạnh tay chi tiêu ở mùa hè này, chi tiêu nhiều hơn cả Man City. Chính Man City từng hỏi mua van Persie, nhưng M.U đã giành chiến thắng nhờ chịu chơi hơn.
Thứ hai, hàng công của M.U chưa đủ mạnh để có thể chinh chiến trên nhiều mặt trận khác nhau. Mùa trước, Wayne Rooney đã tỏa sáng rực rỡ, nhưng vẫn chưa đủ khi Welbeck còn non, Chicharito xuống phong độ, Berabtov gần như là người thừa. So với Man City, với những Aguero, Tevez, Dzeko và Balotelli, hàng công của M.U vẫn lép vế hơn. Vì sự phụ thuộc quá lớn vào Rooney, M.U đã phải trả cái giá rất đắt, trắng tay ở giải nội địa, bị loại sớm khỏi đấu trường Champions League.
Từ năm 2008 đến 2011, M.U đã 3 lần lọt vào chung kết Champions League. Nguồn thu từ đấu trường danh giá nhất châu Âu này là cực lớn. Nhưng năm vừa rồi, họ bị loại từ vòng bảng, gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Riêng sự chênh lệch giữa việc lọt vào chung kết và bị loại từ vòng bảng đã đủ mua không những 1 mà 2 van Persie.
Thứ ba, việc chiêu mộ van Persie không chỉ phục vụ mục tiêu chuyên môn. Vào mùa hè này, giới chủ nhà Glazer đã đưa CLB Manchester United lên sàn chứng khoán ở Mỹ. Điều này đồng nghĩa, cầu thủ đá thì cứ đá, nhưng số phận của họ lại được quyết định bởi những con số trên sàn chứng khoán ở tận nước Mỹ.
Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi M.U chào sàn chứng khoán ở Mỹ, giới chủ hiểu rằng họ cần một thương vụ đình đám, hứa hẹn về một tương lai tươi sáng cho CLB. Van Persie là gương mặt hợp lý nhất. Anh không chỉ là một tiền đạo biết ghi bàn, giành Chiếc giày vàng. Thương hiệu của van Persie mang tính toàn cầu khi mà CLB cũ Arsenal cũng được yêu mến ở khắp nơi trên thế giới. Với Wayne Rooney, cộng thêm van Persie, giới chủ nhà Glazer phần nào thành công đánh bóng thương hiệu CLB, trong thời điểm mà không ít người lo lắng về tương lai bấp bênh của họ.
Tuệ Minh