Bức tranh thể thao Việt Nam đang ở thời điểm được nhìn nhận không mấy lạc quan, nhất là sau những gì mà các vận động viên nước nhà thể hiện tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 17 (ASIAD 17) vừa kết thúc tại Incheon (Hàn Quốc). Tuy có một vài nhân tố mới xuất hiện, nhưng phải thừa nhận, thể thao Việt Nam đã có một kỳ ASIAD thất vọng, không thực hiện được mục tiêu đề ra (giành từ 2 - 3 Huy chương vàng), chỉ xếp thứ 21 trên bảng xếp hạng và một số môn thể thao thế mạnh của chúng ta đã hoàn toàn tay trắng.
Trước hết là một số tên tuổi lớn của thể thao Việt Nam đã không thể làm nên chuyện như Hoàng Xuân Vinh chỉ giành vỏn vẹn 1 HCĐ nội dung đồng đội; Vũ Thị Hương chỉ đứng thứ 5 ở nội dung chạy 100 m; bóng đá nam dù được đầu tư nhiều nhưng cũng chỉ vượt qua vòng đấu bảng... Có một chút tiếc nuối khi Thạch Kim Tuấn (cử tạ, hạng 56kg) mặc dù đã phá kỷ lục châu Á, nhưng lại để vuột chiếc HCV ở lượt thi đấu cuối. Nguyễn Hoàng Phương (súng ngắn bắn chậm 50m nam) trong thế dẫn điểm so với đối thủ, nhưng ở loạt bắn cuối, anh đã không giữ được sự bình tĩnh cần thiết, đành để mất "vàng" trong gang tấc. Ở môn bắn súng, vẫn là những vận động viên từng giành HCB cá nhân, HCĐ đồng đội, nhưng ở nội dung được kỳ vọng là súng ngắn hơi 10m nam, thì lại trắng tay...
Thực tế ở hai kỳ ASIAD gần đây nhất đều cho thấy chưa có HCB nào ở kỳ đại hội trước được chuyển hóa thành HCV ở kỳ đại hội sau, mà trái lại, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam còn rơi vào cảnh “phú quý giật lùi”, khi những môn thế mạnh của Việt Nam như karate hay taekwondo lại kém xa thành tích của những kỳ ASIAD trước. Là môn đi đầu trong sự phát triển của thể thao những năm trước với các HCV tại Asian Games 1994, 1998 rồi HCB Olympic 2000 nhưng bây giờ, taekwondo lại đang tụt lại phía sau về thành tích chung so với nhiều đội tuyển trọng điểm của thể thao Việt Nam. Thậm chí, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta còn thua kém cả Campuchia vì đội taekwondo của họ đã giành được HCV tại hạng cân nữ 73kg. Ngoài ra, Thái Lan cũng là quốc gia có vận động viên đoạt HCV môn võ này.
Kể từ năm 2003 tới nay, thể thao Việt Nam luôn xếp trong tốp 3 ở các kỳ đại hội thể thao khu vực (SEA Games), nhưng ở sân chơi châu lục trong 2 kỳ ASIAD gần đây nhất, thể thao Việt Nam đều đứng sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Chỉ nhìn vào số HCV mà thể thao Việt Nam giành được trong 6 kỳ ASIAD gần đây, vẫn không bằng thành tích của đoàn Thái Lan ở ASIAD 17. Tương tự, ở Olympic London 2012, thành tích của thể thao Việt Nam cũng đứng sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Có nhiều lý do để giải thích cho sự thất bại và qua một số nội dung mà chúng ta để tuột mất huy chương, có thể thấy rõ là sự chuẩn bị về tâm lý thi đấu cho các vận động viên ở những giải đấu lớn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn biết trong thể thao, ngoài yếu tố về chuyên môn, còn có cả yếu tố may rủi. Nhưng những thất bại nói trên cho ta thấy nhiều điều về chuyên môn, trong đó có bóng dáng những vấn đề mang tính cốt tử của một nền thể thao, cả ở khâu xây đắp nền móng và ở cả lĩnh vực đầu tư cho thể thao thành tích cao, công tác đào tạo trẻ và huấn luyện, chăm sóc giáo dục vận động viên.
Những sự việc vừa nêu quả thực thất vọng, nhưng sẽ thất vọng hơn, nếu như không có sự thay đổi trong cách đầu tư cho thể thao. Hay nói cách khác, nếu không có sự thay đổi sâu rộng về cách làm thì chúng ta sẽ tiếp tục phải đón nhận sự thất vọng với thành tích của thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn (Olympic, ASIAD). Đã đến lúc phải dám nhìn thẳng vào thất bại thì mới hy vọng thể thao Việt Nam có được thành công trong tương lai.
Yến Nhi