Bắn cung được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic từ năm 1900. Tuy nhiên, trong những kỳ Thế vận hội đầu tiên (1900-1908, 1920), số lượng quốc gia đăng ký bộ môn này rất hạn chế. Cá biệt như năm 1904, toàn thể 29 VĐV tham dự 6 nội dung bắn cung đều đến từ… chủ nhà Mỹ. Phải đến năm 1972, khi Bắn cung được đưa trở lại chương trình thi đấu sau 52 năm vắng bóng, số đoàn tham dự môn này mới nhiều hơn.
Năm 1984, Hàn Quốc mới bắt đầu tham dự môn Bắn cung tại Olympic. Họ ngay lập tức ghi dấu ấn khi cung thủ 17 tuổi Seo Hyang Soon giành HCV ở nội dung bắn cung nữ và thậm chí còn lập kỷ lục Olympic với 2.568 điểm. Đồng đội của Seo là Kim Jin Ho cũng giành HCĐ ở nội dung này, trong khi giành HCB là cung thủ Trung Quốc Li Jingjuan. Đây được xem là một màn thể hiện ấn tượng của Bắn cung Đông Á.
Kể từ kỳ Olympic sau đó tại Seoul, Hàn Quốc thực sự khẳng định vị thế thống trị trong làng bắn cung thế giới, với 9 lần vô địch Thế vận hội ở bộ môn này. Trong 40 năm qua, các cung thủ Hàn Quốc đã giành 27 trong số 39 tấm HCV bắn cung. Đặc biệt, ở Rio 2016, Hàn Quốc còn giành huy chương ở toàn bộ 4 nội dung đơn nam, đơn nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ.
Ở lần gần nhất tại Tokyo 2021, Hàn Quốc cũng giành 4 HCV bắn cung, nhưng không thống trị hoàn toàn vì nội dung thi đấu đã mở thêm 1 bộ huy chương nữa cho nội dung đồng đội nam nữ. Cung thủ 20 tuổi An San đã đi vào lịch sử khi trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử giành đến 3 HCV ở một kỳ Olympic, bao gồm các nội dung đơn nữ, đồng đội nữ, và đồng đội nam nữ. Cô cũng lập kỷ lục Olympic với 680 điểm ở vòng xếp hạng cá nhân.
Sự thống trị của Bắn cung Hàn Quốc thể hiện rõ ràng hơn ở nội dung của nữ. Các cung thủ nữ Hàn Quốc đã giành HCV cá nhân nữ ở 9/10 kỳ Olympic gần đây. Lần duy nhất trong 40 năm qua, họ không giành HCV ở nội dung này là tại Bắc Kinh 2008, khi Park Sung Hyun thua sít sao Zhang Juanjuan của nước chủ nhà với tỷ số 109-110. Ở nội dung đồng đội nữ, Hàn Quốc thậm chí còn giành HCV 9 lần liên tiếp kể từ năm 1988 đến nay.
So với các đồng nghiệp nữ, những cung thủ nam Hàn Quốc không gây ấn tượng bằng. Mãi đến năm 2012, Oh Jin Hyek mới mang về tấm HCV cá nhân nam cho bắn cung Hàn Quốc ở Thế vận hội. Bốn năm sau, đến lượt Ku Bo Chan sắm vai người hùng khi vô địch cả nội dung cá nhân và đồng đội. Tuy nhiên, đến năm 2021, không có cung thủ nam nào của Hàn Quốc lọt vào Bán kết, còn giành HCV là một cung thủ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ (Mete Garoz).
Có nhiều cách để lý giải sự thống trị của Hàn Quốc ở môn Bắn cung, song theo lời của những cung thủ giành HCV tại Olympic Tokyo cách đây 3 năm, đó là nhờ sự minh bạch trong việc chọn lựa đội tuyển quốc gia và cơ hội luôn giành cho những người thực sự xuất sắc nhất.
Vào tháng 3/2020, khi Olympic Tokyo bị hoãn lại một năm, Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc (KAA) đã quyết định không trao các suất Olympic cho những người đã giành vé, mà tổ chức lại các vòng loại Olympic từ đầu. Họ muốn đảm bảo rằng những cá nhân đại diện cho đất nước phải là VĐV xuất sắc nhất của năm 2021, không phải năm 2020.
An San cùng Kang Chae Young và Jang Min Hee, đã vượt qua các thử thách của đội tuyển quốc gia, vốn được đánh giá là khó khăn hơn cả Olympic. VĐV Kang Chae Young cho biết: "Tại các vòng loại Olympic, chúng tôi thi đấu với những VĐV sát nhau về mức độ tài năng. Và bởi vì chúng tôi trải qua nhiều vòng trong các vòng loại, chúng tôi cảm thấy chắc tay hơn. VĐV có thể căng thẳng khi thi đấu tại Olympic, nhưng nếu họ nghĩ về việc đã vượt qua các vòng loại, thì họ sẽ vững tâm hơn".
KAA đã tạo ra môi trường huấn luyện thuận lợi cho thành công tại Olympic. Họ đã xây dựng một bản sao của trường đấu Olympic - sân bắn cung Yumenoshima - bên trong Trung tâm huấn luyện quốc gia Jincheon ở Jincheon, khoảng 90km về phía Nam Seoul. Để chuẩn bị cho các điều kiện gió lớn ở Tokyo, KAA đã thiết lập một cơ sở huấn luyện khác trên một hòn đảo ở phía Tây Nam. Cung thủ Kang Chae Young cho biết: "Họ đã xây dựng một môi trường giống như tại Olympic cho chúng tôi và huấn luyện như thể chúng tôi đang thi đấu tại Olympic. Ánh sáng không bao giờ tắt ở nơi huấn luyện của chúng tôi".