Sẵn sàng thế hệ tham dự Olympic 2020
Ở năm bản lề 2019, thể thao Việt Nam nhận được rất nhiều tin vui khi các VĐV đỉnh cao vượt chuẩn, giành quyền tham dự Olympic Tokyo 2020.
Mở hàng cho làng thể thao Việt Nam giành vé tới Tokyo là kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung bơi 800m tự do. Với thành tích 7 phút 52 giây 74 ở tại Giải vô địch bơi lội thế giới 2019 ở nội dung 800m tự do, kình ngư 19 tuổi này đã trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam đạt chuẩn A, giành suất chính thức góp mặt tại sân chơi thể thao lớn nhất thế giới.
Tại SEA Games 30 trên đất Philippines, Huy Hoàng tiếp tục phong độ ấn tượng của mình trên "đường đua xanh" khi giành HCV đầu tiên cho đội tuyển bơi Việt Nam. Được đầu tư chất lượng ở 3 nội dung sở trường là 200m, 400m và 1.500m tự do, kình ngư quê Quảng Bình phá 2 kỷ lục SEA Games và giành cả 2 HCV, 1 HCB ở các nội dung này. Với thành tích ấn tượng của mình, Huy Hoàng là VĐV đầu tiên Việt Nam có 2 chuẩn chính thức dự Olympic 2020.
Lê Thanh Tùng cũng đoạt suất tham dự Olympic Tokyo 2020 thứ 2 cho Việt Nam ở giải Thể dục dụng cụ (TDDC) vô địch thế giới 2019 (Stuttgart, Đức). Tại nội dung nhảy chống, Thanh Tùng đã hoàn thành phần thi đơn môn với số điểm ấn tượng là 14.633, xếp thứ 5 vòng loại, giành quyền vào chung kết. Với thành tích này, Lê Thanh Tùng đã trở thành VĐV đầu tiên của TDDC nam Việt Nam giành suất thi đấu chung kết tại giải Vô địch thế giới TDDC.
Các cung thủ Việt Nam cũng đã có được 2 vé tham dự Olympic 2020 từ Giải vô địch bắn cung châu Á năm 2019, đồng thời là vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á (diễn ra tại Thái Lan) đều ở nội dung cung một dây, thuộc về hai cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (Hải Dương). Đây cũng là lần đầu tiên bắn cung Việt Nam giành vé tham dự bộ môn thể thao lâu đời của Olympic.
Nhiệm vụ dài hơi cho các mục tiêu xa hơn
Sự thành công của các môn Olympic giúp đoàn Việt Nam cán đích thứ 2 với 98 HCV tại SEA Games 30. Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) Vương Bích Thắng khẳng định hướng tới mục tiêu là các đấu trường lớn trên thế giới nên trong những nằm gần đây, ngành thể thao quyết tâm tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm có trong chương trình thi đấu tại các kỳ Olympic hay ASIAD.
Năm 2020, ngành TDTT sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm, các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD, phù hợp với thể trạng, tố chất của người Việt Nam để giành thành tích cao tại tại các kỳ đại hội. Trọng tâm vẫn sẽ là các môn mà thể thao Việt Nam có thế mạnh như bơi, điền kinh, bắn súng, TDDC và nhóm môn cá nhân như cử tạ, taekwondo, vật, boxing, kiếm…
Bên cạnh đó là các môn thường xuyên có mặt tại các kỳ ASIAD có khả năng đạt HCV như karate, wushu, cầu mây và những môn có khả năng tranh chấp huy chương ở một vài nội dung xe đạp, đua thuyền, bắn cung. Các môn có sẵn phong trào trong nước, nếu định hướng tốt sẽ có thành tích trong tương lai như quần vợt, cầu lông tiếp tục được đầu tư.
Từ chiến lược đó, thể thao Việt Nam bước đầu đã thu được những tín hiệu khả quan, tạo đà vững chắc cho sự phát triển ở những năm tiếp theo.
“Môn thể thao Vua” là bóng đá trong năm qua đã mang lại luồng sinh khí tích cực cho người hâm mộ nước nhà. Việc xây dựng một nền bóng đá phát triển, có thứ hạng cao ở khu vực và châu lục không chỉ là mục tiêu của ngành TDTT mà còn là đòi hỏi, kỳ vọng chung của đông đảo khán giả.
Trong khi bóng đá nam hướng đến tương lai xa là World Cup 2026 khi số đội được nâng lên 48 và châu Á được tới 8,5 suất thì bóng đá nữ Việt Nam cũng hướng đến năm 2023, thời điểm World Cup bóng đá nữ cũng tăng số đội tham dự VCK. Và đội tuyển nữ Việt Nam hiện ở vị trí 32 thế giới và thứ 6 châu Á trên bảng xếp hạng của FIFA cũng tràn đầy cơ hội lần đầu tiên được tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.
VCK U19 châu Á 2020 và FIFA U20 World Cup 2021 sẽ là nhiệm vụ đối với bóng đá Việt Nam và cũng là cơ hội để các chàng trai vàng của chúng ta chuẩn bị lực lượng, hướng tới mục tiêu tại đấu trường thế giới trong tương lai.