Nghị lực phi thường của Anh Khoa

Ở sân chơi thể thao người khuyết tật, mỗi con người gắn với một số phận kém may mắn, nhưng ở họ đều có chung một nghị lực phi thường. Họ luôn nỗ lực vượt qua nỗi đau bệnh tật, lập nên những kỳ tích, giành vinh quang về cho Tổ quốc. Võ Huỳnh Anh Khoa là một trong những người làm nên kỳ diệu ấy. Chàng trai người TP Hồ Chí Minh này đã giành tấm HCV đầu tiên cho bơi lội khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 7 đang diễn ra tại Myanmar.


Tuổi thơ gắn với giường bệnh


Cất tiếng khóc chào đời vào năm 1991, ban đầu Anh Khoa phát triển như tất cả những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng đúng đến tuổi cắp sách đến trường thì tai họa ập tới: Anh Khoa bị phát hiện ung thư cột sống. Rồi một ngày, đôi chân em không còn đi được nữa, với những cơn đau hành hạ không cắt nổi và phải can thiệp bằng thuốc. Ngôi nhà tuổi thơ của em là giường bệnh.

 

Anh Khoa giành HCV đầu tiên cho bơi lội khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 7.


Ký ức ấy vẫn ám ảnh Anh Khoa đến tận bây giờ. Nằm trên giường bệnh nhìn các bạn cùng lứa tung tăng cắp sách đến trường, Anh Khoa thèm lắm, nhưng nghĩ đến bệnh tật, mong ước nhỏ nhoi ấy lại vụt tắt trong nỗi buồn vô vọng. Thương con, mẹ Anh Khoa hằng ngày vừa là một săn sóc viên, vừa là cô giáo giúp em làm quen với con chữ. Rồi Anh Khoa cũng đọc thông, viết thạo. Đặc biệt, những lúc không đau đớn, Anh Khoa còn được mẹ đưa tới trường cùng hòa nhập với các bạn, nên phần nào cũng giúp em có thêm tình yêu cuộc sống.


Song song với đó, nhờ được điều trị tích cực, bệnh tình của Anh Khoa ngày càng thuyên giảm. Tuy vậy, sau 2 năm nằm liệt giường, đôi chân của Anh Khoa không còn được như xưa nữa, càng ngày càng teo tóp vì không thể vận động, đi lại được. Bác sĩ đã chuyển hướng điều trị cho Anh Khoa sang phương pháp vật lý trị liệu và dần dần đã có thể nhúc nhắc đi lại được. Khi đó, bác sĩ khuyên Anh Khoa nên chọn tập luyện bơi lội để hỗ trợ điều trị bệnh.


Thể thao - thần dược và vinh quang


Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, Anh Khoa chưa từng nghĩ mình có thể chơi được một môn thể thao nào đó, huống chi lại là bơi lội, một môn thể thao tương đối khó đối với đặc thù bệnh tật của em. Nhưng nghĩ đến lời khuyên của bác sĩ, Anh Khoa rất muốn được đến bể bơi để học. CLB thể thao Đại Đồng (quận Bình Thạnh) nằm ngay cạnh nhà nên Anh Khoa thường xuyên đi bộ tới đây, nhưng em cũng chỉ dám ngâm mình dưới nước làm quen và băn khoăn không biết mình có học được bơi hay không. Hình ảnh cậu bé khuyết tật vùng vẫy dưới nước mà không thể bơi đã lọt vào tầm ngắm của thầy Minh, một giáo viên dạy bơi của CLB, và ông đã không ngần ngại giúp em tập bơi.

Trong 2 ngày thi đấu đầu tiên của môn bơi tại ASEAN Para Games 7, Anh Khoa đã xuất sắc giành 2 HCV ở các nội dung 200 m và 400 m tự do. Đặc biệt, thành tích 4 phút 57 giây 65 của Anh Khoa ở nội dung 400 m tự do đã phá kỷ lục do chính anh lập ở kỳ Đại hội trước (5 phút 10 giây 08). Đây cũng là tấm HCV đầu tiên của bơi Việt Nam tại ASEAN Para Games 7.


Những ngày đầu đến với bơi lội, cậu bé Anh Khoa 8 tuổi đã phải vật lộn với từng động tác. Với những bạn bè cùng trang lứa, nếu họ chỉ học vài ngày là biết bơi, thì với Anh Khoa phải mất nhiều tuần. Hằng ngày, thầy và trò dành nhiều giờ để tập luyện kỹ thuật. Thầy Minh cũng luôn tìm phương pháp bơi phù hợp nhất với thể trạng của Anh Khoa.


Ngày qua ngày, sức khỏe và xương khớp của Anh Khoa đã khá lên và em không còn phải vật lộn với những cơn đau tê dại như trước. Ngay cả bác sĩ điều trị bệnh cho Anh Khoa cũng bất ngờ bởi phép màu nhiệm từ thể thao, giúp em có niềm tin trở lại. Cũng từ đó, Anh Khoa bắt đầu đam mê môn bơi và hình thành những ước mơ. Rồi Anh Khoa được thầy Minh giới thiệu lên Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình để tập luyện. Tại đây, Anh Khoa gặp được thầy Viễn, người đã tạo nên “bệ phóng” cho những ước mơ và hoài bão trên con đường chinh phục đỉnh cao của em.


Bước ngoặt đến với Anh Khoa vào đầu năm 2003, khi giải tiền ASEAN Para Games được tổ chức tại Việt Nam. Thầy Viễn đã chạy ngược xuôi lo thủ tục cho Anh Khoa tham gia thi đấu. Kể từ đó, nhờ năng lực của mình, ở bất cứ giải thể thao người khuyết tật trong nước hay quốc tế, Anh Khoa đều có tên. Không phụ công lao của các thầy, Anh Khoa đã liên tục giành HCV ở hầu hết các nội dung thi đấu tự do hạng thương tật S9, ở các kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và châu Á. Trong bộ sưu tập huy chương của mình, Anh Khoa không thể nhớ nổi mình có bao nhiêu huy chương, nhưng chắc chắn có trên 50 huy chương, chủ yếu là HCV, HCB ở các giải quốc tế.


Hiện tại, ngoài việc tập luyện và tham gia thi đấu các giải dành cho người khuyết tật, Anh Khoa cũng dành thời gian để học văn hóa. Tới đây, Anh Khoa sẽ tốt nghiệp Đại học Công nghệ thông tin (FPT). Mặt khác, Anh Khoa cũng muốn trở thành một thầy giáo dạy bơi trong tương lai. Anh Khoa chia sẻ, anh mong muốn tự mình phát hiện, tuyển chọn, huấn luyện bơi lội cho người khuyết tật, tiếp thêm cho họ tình yêu cuộc sống và khát vọng hòa nhập.


Bình Minh (từ Nay Pyi Taw, Myanmar)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN