Cả khu fanzone Kiép như phát điên lên sau tiếng còi cuối cùng của trọng tài. Những người Italia đã nhảy múa trên khán đài đang ăn mừng ở Warsaw cách đó hơn một nghìn cây số khó có thể tin được là ở đây, người ta cũng vui sướng và chờ đợi thắng lợi của người Italia. Người Ucraina là thế, rất rõ ràng, dù đất nước của họ bị giằng xé mạnh mẽ giữa Đông và Tây. Họ ủng hộ Italia vì họ không thích Đức, và còn ghét đội Đức hơn cả đội Anh từng đánh bại Ucraina của họ. Và nữa, điều này không phải bàn cãi, họ yêu Italia vì đây là đội bóng chơi thuyết phục nhất giải. Giờ thì người Kiép chờ đợi Italia cho trận chung kết EURO đầu tiên của đội bóng Thiên thanh kể từ năm 2000. Ngày ấy, đội Italia đẹp trai, mặc áo body và cầu thủ nào trông cũng như những vị thần trong thần thoại La Mã, với nụ cười quyến rũ tất cả những ai mơ mộng các ý trung nhân lãng mạn. Nhưng 12 năm trước, họ đã thua ở những giây cuối cùng. Bây giờ, họ còn xấu trai hơn cả năm vô địch thế giới 2006 (nhưng vẫn còn vài chàng nhìn được, như Abate, Montolivo, Balzaretti hay Marchisio). Không quan trọng. Công nhân hơn để chiến thắng nhiều hơn.
Các nhà bình luận bóng đá Italia đều thống nhất, rằng đấy là một trong số những trận đấu hay nhất của đội tuyển Italia kể từ sau Thế chiến II, bởi trận đấu ấy được thực hiện một cách hoàn hảo như đã tính toán trên bàn chiến thuật. Tất cả các cầu thủ áo xanh đều đã cống hiến hết mình, và xứng đáng được hưởng thắng lợi, sau khi đá với Đức theo cách ấy: trong những thắng lợi trước kia trong lịch sử, mặc dù cầm bóng nhiều hơn ở trận này, nhưng chưa bao giờ Đức lép vế và yếu ớt đến thế. Ở bán kết World Cup 1970 (Italia thắng 4-3), họ đã ép sân Italia gần như cả trận và rồi trận đấu chỉ được kết thúc trong hiệp phụ. Ở chung kết World Cup 1982, điều tương tự cũng xảy ra dù Italia hết sức cố gắng kiểm soát thế trận (nhưng Italia hơn Đức nhờ có Paolo Rossi). Tại World Cup 2006, trận đấu cũng suýt phải dồn vào loạt penalty. Lần này khác, Italia đã giải quyết tất cả chỉ trong một hiệp, bằng 2 bàn thắng đơn giản và chính xác của Balotelli, đứa con "rạch giời rơi xuống" một đất nước mà nhiều người không thích màu da đen và vẫn tôn thờ một chuẩn mực cũ kĩ của một xã hội khép kín. Chính Balotelli và những bàn thắng của anh là điều mà Italia còn thiếu trong các trận đấu trước, và giờ thì Italia đã hoàn thiện, nhờ hàng thủ xuất sắc mà Buffon là chốt chặn cuối cùng, nhờ hàng tiền vệ thuộc loại hay nhất giải với Pirlo đang tỏa sáng rực rỡ sau một mùa bóng thăng hoa với Juventus, và nhờ tư duy chiến thuật mới của HLV Prandelli, người thích bóng đá đẹp và tấn công, chứ không đặt nặng phòng ngự như các đội tuyển Italia truyền thống.
Đấy không phải là Italia ta đã từng thấy trong quá khứ. Italia này của Prandelli mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn. Và điều quan trọng, nó chiến thắng. Italia đã chơi ngang ngửa với Tây Ban Nha ở trận đầu, đã hạ Anh trong một trận đấu áp đảo hoàn toàn, và giờ, khi Balotelli thức tỉnh, đã đánh bại Đức, ứng cử viên số 2 của giải, ngay trong 45 phút thi đấu của hiệp 1.
Giờ thì ở trận chung kết sẽ là Tây Ban Nha, trong một trận đấu chắc chắn sẽ khác nhiều với trận đấu đầu tiên của họ ở vòng bảng. Tây Ban Nha ấy đã khó khăn lắm mới vào được chung kết sau khi hạ Bồ Đào Nha trong trận bán kết trên chấm phạt đền, đã bị lối chơi áp sát và kiểm tỏa tối đa của đối phương làm cho suy yếu và tê liệt tuyến giữa, đã bị coi là đội chơi buồn ngủ thuộc loại nhất giải. Nhưng họ vẫn lầm lũi tiến vào, và chưa thủng lưới bất cứ bàn nào trong các trận đấu loại trực tiếp ở các giải châu lục và thế giới kể từ năm 2008. Không một ai chọc thủng lưới Casillas hết, kể cả những chân sút hàng đầu thế giới. Giờ thì đấy là thách thức lớn lao cho "cậu trẻ" Balotelli (Di Natale đã làm được điều ấy giải này, nhưng là ở vòng bảng). Con cáo già Del Bosque và sức mạnh của hàng tiền vệ hàng đầu thế giới mang mác Barcelona ấy chưa bao giờ dại khờ và dù nhiều người nói rằng, hệ thống tiqui-taca của Tây Ban Nha đang hết thời cùng với chính Barca, thì những người Tây Ban Nha chắc chắn sẽ muốn kết thúc thời đó một cách vinh quang nhất.
Một cổ động viên người Tây Ban Nha ở khu fanzone Kiép đêm qua đã hét lên: "Penalty, 2008" . Câu ngắn ngủi đó ngụ ý rõ ràng: Ông ta nhắc đến việc Italia đã bị Tây Ban Nha loại trên chấm phạt đền luân lưu ở EURO 2008. Người Tây Ban Nha chắc chắn muốn thắng bằng mọi cách, và nếu thắng bằng phạt đền, như với Bồ Đào Nha, cũng chẳng có gì phải xấu hổ. Nhưng người Italia cũng không muốn điều đó xảy ra. Tháng 6 này khác rồi.