Trong báo cáo dài 19 trang vừa được công bố, cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng WADA thành một tổ chức đứng ngoài các xung đột lợi ích, bảo vệ các vận động viên trung thực hiệu quả hơn và có năng lực chống lại nạn sử dụng doping có hệ thống.
Mỹ là quốc gia tài trợ lớn nhất cho hoạt động của WADA, với ngân sách lên tới 2,7 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, báo cáo mới của ONDCP đặt nghi vấn về hiệu quả sử dụng số tiền này, nhấn mạnh Chính phủ Mỹ có nhiệm vụ bảo đảm tiền thuế của người dân Mỹ được chi tiêu hiệu quả cho mục đích mà họ muốn hướng tới. ONDCP nhấn mạnh điều mà người dân Mỹ cần được đáp lại là "thể thao trong sạch, thi đấu công bằng, quản trị hiệu quả hệ thống chống doping thế giới và có tiếng nói tương xứng trong việc ra quyết định của WADA".
Bên cạnh đó, báo cáo của ONDCP cũng yêu cầu WADA cải cách mô hình quản trị, cho phép các vận động viên và đại diện chống doping độc lập tham gia vào các ủy ban và cơ quan quyết sách của tổ chức này. ONDCP cũng kêu gọi ban lãnh đạo của WADA không chịu ảnh hưởng từ các tổ chức thể thao có lợi ích tài chính liên quan trực tiếp đến các quyết định của cơ quan này và đề xuất WADA cho phép các nước cử số lượng đại diện tương ứng với đóng góp tài chính.
Ngoài ra, cơ quan chính phủ Mỹ cũng yêu cầu có quyền cắt hoặc điều chỉnh tài trợ nếu WADA không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về hiệu quả, tính độc lập, minh bạch và khả năng lắng nghe tiếng nói của các vận động viên, cũng như không tăng cường số lượng đại diện của Mỹ tương xứng với mức đóng góp mà nước này bỏ ra.
Về phần mình, WADA đã phản đối báo cáo của ONDCP, nhấn mạnh rằng trên thực tế, Mỹ luôn là nước có số lượng đại diện nhiều nhất kể từ khi WADA thành lập. Hiện quốc gia này có 11 đại diện đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong các ủy ban của WADA. Tổ chức này cho biết đang hoàn thiện phản hồi đối với báo cáo của ONDCP và sẽ gửi văn bản này đến Quốc hội Mỹ trong vài ngày tới.