Chưa năm nào tình trạng bạo lực, phản ứng trọng tài và những sai sót chuyên môn của “vua áo đen” lại “nóng” như nửa mùa giải 2012 vừa qua. Ở lượt về, khi mà cuộc đua tới ngôi vô địch, trụ hạng diễn ra khốc liệt, công tác trọng tài càng để lại nhiều nỗi lo.
Sai sót như cơm bữa
Theo đánh giá của Ban trọng tài, con số gần 400 thẻ vàng, hơn 20 thẻ đỏ của lượt đi vẫn chưa phản ánh đúng với thực tế của nửa mùa giải vừa qua, bởi các trọng tài vẫn còn rất “nương tay” với vi phạm của cầu thủ. Vấn đề đáng nói là những sai sót này của các trọng tài đã gây ra những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Hầu như vòng nào cũng có chuyện một vài đội bóng phản đối các quyết định của trọng tài. Đỉnh điểm là lá đơn xin dừng giải để chấn chỉnh “vua áo đen” của SHB.Đà Nẵng và lá đơn tố cáo trọng tài trù dập của CLB Hà Nội ở giải hạng Nhất. Đây đều là những phản ứng chưa có tiền lệ, cho thấy sức chịu đựng của các đội đã vượt giới hạn. Chưa mùa giải V-League nào chất lượng chuyên môn của đội ngũ cầm còi lại trở nên báo động như năm nay. Tại vòng 8 V.League, có tới 4/7 trận trọng tài mắc sai sót. Vòng 9 có đến 5/7 trận đấu mà trọng tài mắc sai sót và đã có dấu hiệu cho thấy đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Điều đặc biệt là ở vòng 9, 2 trọng tài đẳng cấp FIFA là Võ Minh Trí và Hoàng Anh Tuấn đều mắc lỗi. Trên sân Chi Lăng, ông Tuấn phải nhờ sự can thiệp của cảnh sát mới rời sân trong sự thịnh nộ của khán giả Đà Nẵng. Trong khi đó ông Trí cũng có pha bẻ còi lịch sử trên sân Thanh Hóa khiến dư luận quốc tế xôn xao. Đã có tới 10 trường hợp trọng tài phạm sai sót đặc biệt nghiêm trọng, đã bị kỷ luật, từ “treo” còi đến việc chuyển xuống hạng Nhất hoặc thôi việc.
Điều đáng nói là các quyết định sai sót của trọng tài thường rơi vào những tình huống có tính chất quyết định tới trận đấu như 11m hay thẻ đỏ.
Lỗi không chỉ của riêng ai
Chất lượng chuyên môn của đội ngũ trọng tài rất đáng bàn và là nguyên nhân chính dẫn đến những lỗi nhận định. Thế nhưng có một thực tế, việc các trọng tài rơi vào tình cảnh như hiện tại cũng có lỗi của cả các cầu thủ, đội bóng, người hâm mộ. Nếu sau các quyết định của trọng tài không có tình trạng cầu thủ và BHL nhảy bổ vào phản ứng, chửi bới, vái lạy, không bị CĐV dọa giết, thì chắc chắn các trọng tài đó sẽ không bị tâm lý ở những phút còn lại và những vòng tiếp theo. Nhiều trọng tài thừa nhận, họ cảm thấy run khi được giao bắt các trận khó. Vào sân với áp lực lớn, thì ngay một trọng tài đẳng cấp như Võ Minh Trí cũng đã mắc sai lầm.
Có một sự trùng hợp là năm nay VPF ra đời, thì ngay lập tức công tác trọng tài có rất nhiều vấn đề. Việc chuyển đổi quản lý điều hành từ VFF sang cho VPF đang có nhiều bất cập. Lịch sử bóng đá thế giới gần như không có sự chồng chéo như vậy, khi phần lớn các ông chủ tịch đội bóng lại đứng ra điều hành chính giải đấu mà mình đang chơi. Không ai khẳng định việc các ông chủ ở VPF có đội bóng tham gia giải ít nhiều sẽ có được lợi thế từ các quyết định liên quan, nhưng rõ ràng sự thật là các trọng tài sẽ có sự cân nhắc. VPF đang trực tiếp trả lương cho các trọng tài, nên không tránh được những trường hợp kiêng nể nhau vì phải giữ “nồi cơm, manh áo”.
Theo đánh giá của Trưởng BTC giải Trần Duy Ly: “Để nâng cao chất lượng trọng tài không phải ngày một, ngày hai. Rất khó tạo được đột phá về chất lượng trọng tài trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi sẽ cố gắng giảm sai sót xuống mức thấp nhất, chứ loại bỏ hoàn toàn là chuyện cực khó”. Giải pháp trước mắt, BTC giải sẽ phối hợp với Ban trọng tài nhằm sắp xếp bố trí các tổ trọng tài phù hợp nhất, hiệu quả nhất trên cơ sở phân tích, đánh giá độ khó của từng trận. BTC giải sẽ chỉ đạo các giám sát trọng tài phát huy tinh thần trách nhiệm, hướng dẫn các tổ trọng tài trong sinh hoạt, tác phong và đặc biệt là năng lực tập trung tối đa cho mỗi trận đấu.
Anh Chi