Không tin Mỹ, Nhật tự tìm cách bảo đảm an ninh cho mình?

Về mặt công khai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem một Trung Quốc “quyết đoán” và một Triều Tiên “bất ổn” là mối quan ngại an ninh hàng đầu. Nhưng ẩn sau đó là một mối lo cũng ngày một lớn: Một ngày nào đó Mỹ sẽ không đủ khả năng, hoặc là không sẵn lòng bảo vệ Nhật Bản. Điều này như tiếp thêm động lực để Thủ tướng Abe đẩy nhanh tiến độ tăng cường tiềm lực không quân và hải quân của Nhật Bản, đồng thời tìm cách nới lỏng các quy định trong hiến pháp hòa bình giới hạn các hành động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ.

Bối cảnh và nguyên do

Thủ tướng Shinzo Abe đang quyết tâm tạo ra những thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản? Ảnh: Getty Images


Sự cảnh giác của Tokyo trước những thay đổi có thể xảy đến đối với liên minh an ninh Mỹ - Nhật diễn ra khi chi phí quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng ở mức hai con số trong nhiều năm. Cùng với đó là một Triều Tiên khó đoán định, với các tên lửa có tầm bắn vươn tới Nhật và đang theo đuổi các chương trình hạt nhân, tên lửa bất chấp lệnh cấm vận quốc tế.

Giới chức ngoại giao và phân tích chiến lược Nhật Bản nhìn nhận, điều quan trọng nhất trong hoạch định chính sách là phải sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất; vì thế vai trò và sứ mệnh của Nhật Bản phải được thảo luận làm rõ. Liên minh Mỹ - Nhật là liên minh quan trọng nhất và thực tế này sẽ chưa thay đổi. Nhưng Nhật Bản sẽ trở thành nước lớn mạnh hơn, dưới góc độ là một quốc gia “thông thường”, không bị giới hạn trong các quy định cấm đoán ngặt nghèo. 

Bất chấp những lời bảo đảm cùng tuyên bố của Tổng thống Barack Obama về chiến lược xoay trục sang châu Á, Tokyo vẫn e ngại rằng Washington vì một lý do nào đó sẽ không thể duy trì quyết tâm và gánh nặng tài chính để bảo vệ Nhật Bản. Giới chức Nhật Bản nhìn nhận quyền lực Mỹ đang giảm sút trong dài hạn, trong khi sức mạnh của Trung Quốc cũng như vai trò của quan hệ kinh tế Mỹ - Trung ngày một tăng.

Trên thực tế, Nhật Bản thậm chí đã bắt đầu tính đến việc tăng cường tiềm lực quốc phòng từ mức bị giới hạn lên mức “răn đe”, nhằm vào các căn cứ quân sự của nước thù địch – dù rằng đây là một bước đi tốn kém và gây nhiều tranh cãi. Cùng lúc, Nhật Bản cũng tìm kiếm quan hệ an ninh gần gũi hơn với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Australia, thậm chí là cả Nga - như là cách thức dự liệu cho khả năng Mỹ suy giảm trợ giúp an ninh.

Những mối lo về diễn tiến trong liên minh Mỹ - Nhật vì thế là một phần nguyên cớ để ông Abe khởi xướng các chương trình nghị sự mang tính bảo thủ, hướng đến một vị thế cân bằng hơn trong liên minh. Ông Abe muốn hoàn thành mục tiêu viết lại bản Hiến pháp Nhật do người Mỹ là người soạn thảo đưa ra giới hạn tiềm năng quân sự của Nhật Bản.

Các bước tự “cởi trói”

Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu xem xét lại các định hướng về hợp tác quốc phòng được đề ra từ năm 1997, với mục tiêu hoàn tất vào cuối năm nay. Washington từ lâu đã thúc giục Tokyo đảm nhận vai trò, gánh nặng lớn hơn trong liên minh. Hiện các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản hy vọng: Bằng cách này, họ có thể “giữ chân” người bạn Mỹ ở kế bên.

Thế nhưng, vai trò của Nhật đạt đến đâu lại phụ thuộc một phần vào việc liệu ông Abe có thể chấm dứt được thực trạng nước Nhật tự trói chân mình trước phòng vệ tập thể, hoặc là trợ giúp quân sự đối với đồng minh khi bị tấn công. Cố vấn an ninh Isozaki nhận định, thay đổi các điều khoản được quy định trong hiến pháp tồn tại hàng thập kỉ qua cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể “sẽ làm sâu sắc mối quan hệ liên minh Mỹ - Nhật mà hiện nay mới chỉ dừng lại ở hình thái một phía”.

Ông Abe thích sự chuyển đổi này và đề xuất thay đổi sẽ được một nhóm cố vấn đưa ra vào tháng 4 tới. Theo đó, quân đội Nhật không chỉ có khả năng trợ giúp Washington, mà cả các nước khác có cùng lợi ích chiến lược với Tokyo. Những xao động trong liên minh cũng đã làm xuất hiện các tiếng nói kêu gọi Nhật Bản tăng cường tiềm lực bị giới hạn lên mức độ tấn công, vì “chúng ta phải xem xét, làm chủ các khả năng đối phó, vì chúng ta không thể ngồi bất động và chờ chết ” khi Mỹ rút đi - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani, hiện là Phó Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) chia sẻ.

Nhưng khi mà nghị trình phòng vệ tập thể vẫn còn đang trong thời kì phôi thai, ông Abe sẽ không đưa hết vốn liếng chính trị cho một bước đi dễ bị Bắc Kinh nhìn nhận là hiếu chiến và không được chào đón bởi Washington. Nhật Bản chắc hẳn sẽ còn phải cân nhắc về quyết định tăng cường tiềm lực tấn công, khi Mỹ chưa tuyên bố liệu họ có muốn Nhật tiến đến khả năng này hay không, vì nếu làm vậy sẽ “thay đổi một cách cơ bản bản chất liên minh Mỹ - Nhật, vốn thường được mô tả bằng hình ảnh Nhật Bản là chiếc khiên phòng thủ còn Mỹ là thanh kiếm tấn công”, học giả Kyouji Yanagisawa nhìn nhận.

Giới ngoại giao Nhật Bản hy vọng, chuyến thăm Nhật của ông Obama vào tháng 4 tới sẽ giúp làm sáng tỏ những mối quan ngại trên. Đại sứ Nhật tại Mỹ Kenichiro Sasae phát biểu: “Sự kiện này là một cơ hội quan trọng để Mỹ thể hiện tầm nhìn về vai trò nào Mỹ sẽ đảm trách. Chúng tôi muốn chứng kiến Mỹ tuyên bố rõ, ai là bạn và là đồng minh, ai là những kẻ gây rối và những kẻ gây rối tiềm tàng”.


HT (aljazeera)

Nhật Bản sẽ xem xét quyền phòng thủ tập thể

Ngày 24/1, trong phiên khai mạc kỳ họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã lần đầu tiên đưa ra thảo luận vấn đề phòng thủ tập thể và an ninh tập thể.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN