Khi Trung Quốc đổ tiền cho tham vọng túc cầu

Lù lù xuất hiện từ làn sương mù buổi sáng như một lâu đài trong truyện cổ tích, ít ai có thể ngờ được tòa nhà với kiến trúc hoành tráng tại tỉnh Quảng Đông đang là nơi đặt niềm kỳ vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình về tương lai bóng đá Trung Quốc.

Trường bóng đá Evergrande là nơi được Trung Quốc đầu tư để nuôi dưỡng giấc mơ chiếm vị thế cao hơn trong thế giới sân cỏ, tuy nhiên trên thực tại, nền bóng đá ở đất nước đông dân nhất thế giới này vẫn ở mức trung bình.

Các cầu thủ nhí tại trường bóng đá Evergrande.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn thể hiện rõ tình yêu với “môn thể thao đẹp” và khẳng định mong muốn trong tương lai tới Trung Quốc có thể là nước chủ nhà tổ chức World Cup hoặc thậm chí trở thành đội vô địch.

Hàng tỉ USD đã được Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho bóng đá trong những năm gần đây, trong đó có nhiều hợp đồng đưa các ngôi sao lớn trên thế giới sắp từ giã sự nghiệp quần đùi áo số về chơi trong giải đấu chuyên nghiệp của nước này.

Điển hình khi mùa giải 2016 gần được khởi tranh, chỉ trong vòng 1 tháng đã có 4 kỷ lục chuyển nhượng được thay nhau thiết lập. Những ngôi sao như trung vệ Alex Teixeira và Ramires, tiền đạo Jackson Martinez đã được báo chí tới tấp săn đón sau khi gật đầu về chơi cho Trung Quốc và từ giã châu Âu với những bản hợp đồng trị giá “khủng”.

Ngoài đội hình thi đấu, nhiều câu lạc bộ hàng đầu Trung Quốc cũng bơm tiền để nuôi dưỡng lớp măng non. Chỉ trong vòng 10 tháng và với 185 triệu USD, công ty bất động sản Evergrande đã biến một khu vực nông thôn ở miền Nam Trung Quốc thành trường học bóng đá lớn nhất trên thế giới. Theo như kế hoạch, những đứa trẻ tại đây sẽ dành phần lớn thời gian cho bóng đá để trong một vài năm tới có thể khoác áo đội tuyển quốc gia.

Một trong 50 sân bóng rộng của trường Evergrande.


Các cầu thủ nhí chờ đợi trước giờ ra sân tập.


Một bữa trưa của học sinh tại Evergrande.

Ngay ngoài cửa Evergrande án ngữ một bức tượng nhái cúp vô địch World Cup để ngày ngày nhắc nhở học sinh nơi đây về mục đích hàng đầu khi theo học tại trường.

Trung Quốc có truyền thống không coi trọng thể thao trong trường học, các bậc phụ huynh luôn muốn con mình theo các ngành như luật và y học. Nhưng thời thế đã thay đổi và bóng đá đang nổi lên.

Evergrande có 50 sân bóng với mỗi sân chiếm khoảng diện tích hơn 0,65 km vuông cùng với sân tennis, bóng rổ và bóng chuyền, bể bơi, rạp chiếu phim, phòng tập, thư viện và canteen. Các đầu bếp vùng Tân Cương được tuyển chọn để chăm lo cho bữa ăn hàng ngày của học sinh.

Cậu bé He Xinjie 14 tuổi đã từ biệt cha mẹ ở tỉnh Phúc Kiến gần 4 năm trước để theo đuổi giấc mơ sân cỏ tại Evergrande. He Xinjie tâm sự: “Cháu hy vọng có thể được gọi vào thi đấu cho đội tuyển bóng đá quốc gia, sau đó cháu sẽ được khoác áo Barcelona và Real Madrid”.

He Xinjie là một trong những cầu thủ tài năng nhất trong ngôi trường có 2.400 học sinh và thậm chí còn giành được cả học bổng. Cậu còn may mắn từng được đến Tây Ban Nha và “tỉ thí” cùng các cầu thủ tài năng ở đó. Nhưng lý do He Xinjie muốn đến với La Liga không phải là vô tình.

Hơn hai chục huấn luyện viên người Tây Ban Nha hiện đang trực tiếp giảng dạy tại Evergrande, đây là kết quả sự hợp tác của trường với Real Madrid. Điển hình như trường hợp của Sergio Zarco Diaz, sau hai thập kỷ huấn luyện tại châu Âu, ông đã quyết định tới Trung Quốc.

Trong 4 năm ở đây, Sergio Zarco Diaz thừa nhận mọi việc đã cải thiện nhưng Trung Quốc vẫn còn con đường rất dài để đi. Trung Quốc mới chỉ được xuất hiện tại World Cup một lần vào năm 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng lại gặp thất bại khi thua cả 3 trận vòng bảng mà không thể ghi được một bàn thắng nào. Trong bảng xếp hạng của FIFA hiện nay Trung Quốc đang xếp thứ 96 trong tổng số 209 quốc gia.

Học sinh say mê trên sân cỏ.

Vẫn có những giây phút đau đớn.


Chăm chú nghe chỉ dẫn của huấn luyện viên.


Niềm ước mơ của những cậu bé này là trở thành ngôi sao bóng đá trong tương lai.

Để gửi con tới Evergrande, phụ huynh phải nộp 60.000 nhân dân tệ (9.200 USD)/năm, nhiều hơn mức thu nhập trung bình tại Trung Quốc. Như vậy, trừ khi những đứa trẻ có đủ tài năng để giành được học bổng còn không gia đình phải vô cùng giàu có mới có thể vào được ngôi trường này.

Ngoài bóng đá, ngôi trường cũng tập trung vào các môn văn hóa. Zhang Liya, một giáo viên tiếng Anh chia sẻ: “Ban đầu khi đến đây tôi thường dạy học sinh về các thuật ngữ bóng đá. Những đứa trẻ này đến từ nhiều nơi trong đất nước và trình độ tiếng Anh của chúng khá khác biệt. Chúng nói trước đây khi còn nhỏ cháu chỉ học cách chơi bóng đá”. Đối với cô Zhang và các đồng nghiệp, việc giảng dạy luôn phải đi đầu.

Hiệu trưởng Evergrande Liu Jiangnan khẳng định chắc nịch rằng sẽ có sự tiến triển mạnh trong tương lai. Ông nói: “Trong khoảng 4 năm tới, bóng đá Trung Quốc sẽ có sự cải thiện và có thể trở thành một trong những đội hàng đầu ở châu Á. Và tất nhiên, trong khoảng 20 đến 30 năm tới chúng tôi đã đặt mục tiêu trong những đội hàng đầu thế giới”.

Hà Linh (Theo CNN)
Nữ tay đua đường trường Trung Quốc đâm trúng khán giả
Nữ tay đua đường trường Trung Quốc đâm trúng khán giả

Theo hãng thông tấn TASS, một xe đua đã đâm vào đám đông khán giả ngay ngày đầu tiên của cuộc đua đường trường "Dakar" vừa khởi tranh ở Buenos Aires ngày 2/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN