Giải mã thành công bước đầu của kiếm Việt

Đâu là bí quyết giúp các kiếm thủ Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt tại Singapore trong những ngày này với hàng loạt chiến công rất đáng khâm phục (giành 4 HCV) cho Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) ở SEA Games 28?

Vận động viên đấu kiếm Vũ Thành An (phải) đã đoạt huy chương vàng trong trận chung kết tối 3/6. Ảnh: Quốc Khánh - Phóng viên TTXVN tại SEA Games 28


Mới du nhập vào Việt Nam khoảng 3 thập kỷ và phát triển thực sự mạnh mẽ trong hơn 20 năm trở lại đây, đấu kiếm có 2 yếu tố để thành công: Tầm nhìn chiến lược, và sự phù hợp với tố chất người Việt.

Người Việt phù hợp với môn đấu kiếm


Môn đấu kiếm đòi hỏi rất nhiều tố chất, mà phải là tố chất đặc biệt thì mới có thể tập luyện và thành tài. Tối thiểu với một VĐV kiếm, đó là thể lực dồi dào, thể hình tốt, đặc biệt là phải nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh và có sức chịu đựng cực cao.

“Đây là một đòi hỏi khắt khe nhưng đến được với đấu kiếm là phải như thế. Ở Việt Nam, khi đi tuyển các VĐV năng khiếu, không dễ để tìm ra những người đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí này, tuy nhiên, về cơ bản các VĐV của chúng ta đã có những lợi thế nhất định về sự khéo léo, nhanh nhẹn và có sức chịu đựng khó khăn”, Trưởng bộ môn Đấu kiếm, Tổng cục TDTT Phùng Lê Quang cho biết.

Trong gần 30 năm du nhập và phát triển, số lượng VĐV đấu kiếm không nhiều, thậm chí chưa bao giờ vượt quá con số 100 kiếm thủ trên toàn quốc. Điều này cũng không khó để lý giải nếu căn cứ vào những tiêu chí nói trên.

Đến với đấu kiếm đã khó, trụ lại ở môn này và đạt thành tích càng khó khăn. Chính vì thế những VĐV khi xác định gắn bó với đấu kiếm đều nỗ lực hết mình, họ sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho môn thể thao này.

Chiến lược hợp lý


Trên cơ sở là sự phù hợp nhất định về tố chất con người từ đánh giá và nhìn nhận của những người làm chuyên môn, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã “mạnh dạn” đưa đấu kiếm về Việt Nam phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Khi ấy, ông Giang là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội nên cũng có nhiều thuận lợi đặt nền móng cho việc phát triển môn này đối với thể thao thủ đô.

Tuy nhiên, cũng phải chờ đến hơn 20 năm sau kể từ khi bắt đầu từ con số 0, đấu kiếm Việt Nam mới có được những tấm huy chương đầu tiên tại SEA Games 2003 khi được tổ chức trên sân nhà.

Chính 3 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ lúc đó đã tạo nên bước ngoặt thuận lợi, mở đường cho đấu kiếm trở thành môn nhận được sự quan tâm chú ý của những nhà lãnh đạo thể thao.

“Với các môn Olympic không thể vội vàng và mong muốn đốt cháy giai đoạn. Cần có sự đầu tư bài bản, cộng với thời gian và không thể thiếu là đầu tư ban đầu. Tính sơ sơ, một VĐV tập kiếm vào thời điểm này sẽ phải đầu tư khoảng 1.500 USD cho trang phục và thiết bị tập luyện, chưa kể chi phí khác.

Môn này khá tốn kém trong khi lại không thể giành thành tích ngay nên phải rất kiên trì trong quá trình đào tạo”, ông Phùng Lê Quang cho biết.
TTXVN/Tin tức
Đấu kiếm Việt Nam giành 2 HCV đầu tiên tại SEA Games 28
Đấu kiếm Việt Nam giành 2 HCV đầu tiên tại SEA Games 28

Ngày 3/6, đoàn thể thao Việt Nam đã có được liên tiếp 2 chiếc HCV tại SEA Games 28 từ môn đấu kiếm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN