Đây là cơ hội không thể tuyệt vời hơn cho các tín đồ yêu bóng đá đến check-in tại sân vận động hiện đại và tuyệt đẹp Gazprom Arena, đồng thời cảm nhận không khí ngày hội bóng đá. Vì vậy không chỉ có người Nga và cổ động viên của các nước khác có đội tuyển thi đấu tại sân vận động này, mà còn có một lượng không nhỏ các cổ động viên Việt Nam đã góp phần làm cho bầu không khí lễ hội ở St. Petersburg thêm sôi động.
Mọi ngả đường đều dẫn đến thành Len
St. Petersburg thời Liên Xô được gọi là Leningrad. Chính vì thế, những người từng sống ở LB Nga 30 năm, trải qua quá trình chuyển đổi từ Liên Xô sang nước Nga ngày nay, còn gọi nó là thành Len. Và với những cổ động viên Việt Nam, họ xuống thành Len xem bóng đá theo nhiều cách khác nhau và hầu như rất dễ để nhận ra họ qua những chiếc áo “vàng-đỏ” thân thương hoặc lá cờ Việt Nam mà họ đem theo để căng trên sân vận động. Nhiều người Việt ở Moskva đã chủ động xuống Len sớm, ngay khi trận mở màn trên sân vận động Gazprom Arena chưa bắt đầu để vừa có thể xem bóng đá, vừa tranh thủ đi thăm thú thành phố châu Âu cổ kính này.
Có thể nói, mỗi góc phố, con đường, mỗi tòa nhà ở trung tâm St. Petersburg đều mang đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu cổ điển, thanh lịch và quyến rũ. Với tôi, lần nào đặt chân xuống thành phố này, tôi cũng “ngợp” vì các công trình kiến trúc cổ tuyệt đẹp như thế. Có lẽ không thành phố nào có quy mô các công trình kiến trúc nghệ thuật dầy đặc như thế. Bạn có thể dạo bộ dọc theo sông Neva, sông đào Moika hay Fontanka, rảo bước trên đại lộ Nevsky ở trung tâm thành phố, hay đi thăm Cung điện mùa Đông, Cung điện mùa Hè, Hoàng thôn với Cung Ekaterina, hay đi tàu cánh ngầm đến tận bán đảo Kronstadt để ngắm các chiến hạm của Hải quân Nga. Đâu đâu bạn cũng có thể lọt vào tầm mắt những công trình kiến trúc cổ có quy mô hoành tráng và tuyệt đẹp. Với những người Việt ít điều kiện hơn ở Moskva, họ lập nhóm thuê xe buýt để xuống thành Len xem một trận bóng đá rồi về ngay sau khi trận đấu kết thúc.
Trận bóng đá được nhiều người Việt quan tâm nhất chính là trận mở màn ở St. Petersburg giữa đội tuyển Bỉ và đội tuyển Nga. Do đẳng cấp vượt trội của tuyển Bỉ nên trận đấu không cân sức, và có lẽ là trận đấu “buồn nhất” tại St. Petersburg. Tuy nhiên, với các cổ động viên Việt Nam, họ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt của mình cho hai đội bóng và có lẽ đây là trận đấu có đông người Việt dự khán nhất.
Về việc ăn ở khi tới St. Petersburg, do những người Việt thường hay lo xa nên họ đã lên kế hoạch từ lâu cho việc thuê phòng lưu trú trong thời gian xem bóng đá. Họ thường chọn thuê các căn hộ để ở chung, một phần nhằm tiết kiệm chi phí, một phần do các khách sạn cũng đã kín khách thuê phòng. Ông Dương Chí Kiên - Chủ tịch tập đoàn Golden Age, chủ khách sạn Chaikovskyi ở trung tâm thủ đô được nhiều người Việt biết đến - cho biết ông rất vui khi thấy rất nhiều cờ Việt Nam và cờ Nga trên sân vận động và nhiều người Việt trong những ngày gần đây ở thành phố St. Petersburg. Vì tình cảm đó, ông đã cố gắng “thu xếp” phòng trong khách sạn để đón một vài đoàn Việt Nam. Cũng theo ông Kiên, cộng đồng người Việt ở St. Petersburg có khoảng 200 người và có khoảng 30 người trong số này ra sân cổ vũ bóng đá.
Anh Hoàng Đình Lợi từ Moskva cho biết đoàn của anh gồm 30 người, đi tàu xuống St. Petersburg xem các trận cầu. Hai anh Hoàng Văn Phú và Nguyễn Đức Vượng đều cùng quê Nam Định thì phải bay 10 tiếng từ Vladivostok đến Moskva, sau đó từ Moskva đi tiếp xuống St. Petersburg chỉ để xem bóng đá và cổ vũ cho tuyển Nga.
Dấu ấn Việt tại St. Petersburg
Góp phần vào sự sôi động của EURO 2020 ở St. Petersburg còn có những người Việt khác. Một trong số đó là cháu học sinh Đào Vân Anh (Anhia), tình nguyện viên của EURO 2020. Gặp tôi, Vân Anh cho biết bố mẹ cháu là chủ một tiệm ăn Việt Nam nằm ngay gần nhà ga xe lửa. Hóa ra cháu là con anh Hải, chị Lừng, chủ quán Nem Nem được nhiều người Việt biết tới trên đại lộ Ligov, cạnh ga Moskovskyi. Khi được đề nghị phỏng vấn, cháu Vân Anh từ chối vì theo quy định của Ban tổ chức, tất cả các tình nguyện viên không được tự động trả lời phỏng vấn nếu chưa được phép. Nói chuyện với mẹ cháu, tôi được biết Vân Anh là một Otlichnik (học sinh xuất sắc), giỏi tiếng Anh. Tuy vậy, cháu cũng phải vượt qua 3 vòng thi tuyển mới được làm tình nguyện viên phục vụ EURO năm nay.
Người Nga cũng rất có thiện cảm với Việt Nam, trong quá trình tác nghiệp bên ngoài sân vận động Gazprom Arena, tôi đã gặp một nhóm cổ động viên Nga. Khi được biết chúng tôi là các phóng viên Việt Nam, một cổ động viên Nga đã nhắc đến “vị anh hùng nổi tiếng” của dải đất hình chữ S và sau đó đã cùng với những người bạn của mình hô vang “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh …” bằng tiếng Nga. Trong trận Nga-Bỉ, cũng ở ngoài sân vận động, chúng tôi đã quay được cảnh các cổ động viên Việt Nam, vẫy cờ đỏ sao vàng, hô vang Russia, Russia và chụp ảnh chung với các cổ động viên Nga. Sau khi chụp ảnh chung, một cổ động viên Nga nói rằng họ muốn đi ăn phở bò nếu như đội tuyển Nga chiến thắng. Có thể thấy, “phở bò” Việt Nam rất được thực khách Nga hâm mộ.
Mặc dù đội tuyển Nga không thắng được “những chú quỷ đỏ” trong trận ra quân, nhưng kinh nghiệm từ năm 2008 cho thấy mặc dù để thua tới 2 trận đầu nhưng cuối cùng các chàng trai của nước Nga vẫn xếp thứ 3. Đội tuyển Nga là thế, có khi càng đá mới càng hay và càng khó khăn họ càng cố gắng.