Đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam khi mang về tấm vé tham dự Olympic đầu tiên, Hoàng Quý Phước (ảnh) cũng là VĐV đầu tiên giành tới 2 tấm HCV ở SEA Games. Với những người dân Đà Nẵng, những hàng xóm, bạn bè và người thân, Quý Phước vẫn chỉ là một cậu bé thật giản dị, dễ gần, vui tính và là một cậu con trai có hiếu.
Sinh ra là để bơi
Là con út trong gia đình đông anh em, mẹ làm nghề buôn bán nhỏ, Phước làm bạn với bãi biển Mỹ Khê, Ðà Nẵng, nơi em cùng chúng bạn bơi, ngụp lặn suốt thuở ấu thơ. Nhà Phước chỉ cách bãi biển Mỹ Khê (Ðà Nẵng) khoảng 200 m. Cậu bé ấy làm quen với những con sóng ngay từ khi mới chập chững. Ham mê bơi lội từ bé, cứ khi nào đi học về là Phước cùng lũ trẻ trong xóm đi bơi. Đã rất nhiều lần bà Tại, mẹ của Phước phải mang roi ra dọa thì thằng Phước mới chịu về.
Bác Tại kể, khi chào đời, Phước không giống như những đứa trẻ khác. Mới sinh mà Phước như đứa trẻ vài tuổi, tay chân Phước dài loằng ngoằng, người cứ dài ra lạ kỳ. Năm đó, 15 tuổi, Phước đã cao tới 1m78, sải tay dài 1m93, chi và các ngón tay đều dài hơn bạn bè cùng lứa. Hồi đầu, thấy Phước cao lớn nhanh, cả nhà cũng thấy hoảng. Thế nhưng kể từ khi theo tập bơi, nghe các thầy nói, hình thể của Phước rất phù hợp với bơi lội, đôi bàn tay, bàn chân quá khổ, lớn hơn rất nhiều so với bạn cùng lứa, gia đình bác Tại mới yên tâm. Với thể hình đặc biệt cùng lòng đam mê từ nhỏ, Quý Phước sinh ra cứ như là để bơi. Giờ thì Phước được gắn với bao cái biệt hiệu như: “Rái cá Mỹ Khê” hay “dị nhân sông Hàn”…
Vượt nỗi đau, mang niềm vui về cho người mẹ tần tảo
15 tuổi, khi còn đang tập huấn tại Trung Quốc, Phước nhận tin dữ người cha của mình vừa qua đời. Nghị lực, cứng rắn là thế mà Phước đổ gục xuống ngất lịm khi nhìn thấy di ảnh của cha, người đã có ảnh hưởng rất lớn tới nghiệp thi đấu của mình. Mới 15 tuổi đã không còn bố là một nỗi đau khó vượt qua với bất cứ đứa trẻ nào. Thế nhưng, Phước đã lao vào tập luyện để vượt qua nỗi đau đó, và cũng muốn sớm có nhiều thành tích để mang lại niềm vui cho mẹ.
Hôm biết tin con trai đoạt HCV đầu tiên ở SEA Games 26, cả nhà Hoàng Quý Phước trên đường Tô Hiến Thành (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã vỡ tung niềm hạnh phúc. Mẹ của Phước đã hạnh phúc đến nghẹn lời: “Là người mẹ, tôi còn hạnh phúc nào bằng khi thấy con mình thành đạt. Nó là niềm tự hào của cả dòng họ. Phước ơi, con hãy cố gắng nữa để có được thành tích thật tốt cho gia đình, bạn bè và cả dân tộc, Tổ quốc Việt Nam nghe con!”. Và bà mẹ này đã khóc khi cho biết bà tiếc rằng ba của Phước không còn sống để chứng kiến thành công của con ngày hôm nay.
Vì cuộc sống mưu sinh, ngày Phước giành HCV thứ hai, mẹ của Phước còn mải đi bán thịt ở cái chợ xép trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Đà Nẵng) chưa về. Còn người chị gái tên Tú, người luôn dõi theo từng bước chân của Phước đang có giờ học ở giảng đường. Anh trai của Phước tên Phú kể lại: “Mẹ đi bán thịt nhưng không quên nghe ngóng thông tin của em ở bên đó. Mấy dì, mấy cậu ai cũng ở nhà coi truyền hình cả ngày để báo tin cho mẹ. Còn mấy anh em lên mạng cả ngày nay để đọc tin về Phước. Hôm thằng Phước thi nội dung 100m bướm, mấy anh em bạn bè quanh xóm tập trung đến nhà em coi truyền hình để cổ vũ đông lắm. Thấy em Phước lấy HCV cả nhà ôm nhau sướng lắm”. Hoàng Quý Phước xứng đáng là niềm hạnh phúc tự hào của mẹ, của gia đình, của thể thao Đà Nẵng và nước nhà.
Chuyến tập huấn đặc biệt
Mang về suất tham dự Olympic 2012, đoạt cú đúp HCV SEA Games 26 là thành công ngoài mong đợi với một kình ngư mới chỉ 18 tuổi như Phước. Một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực cá nhân của Phước, cho sự quan tâm và đầu tư sát sao của ngành thể thao Ðà Nẵng. Thế nhưng, dường như đây mới chỉ là bắt đầu. Tất cả những nhà chuyên môn đều khẳng định, Phước sẽ còn tiến xa hơn nữa. Muốn thành VÐV bơi lội đỉnh cao cần thể hình, thể lực, tố chất, đam mê; cũng cần được bồi dưỡng về cả vật chất lẫn tinh thần; lại phải được giáo dục về tư cách đạo đức và tinh thần dân tộc.
Tấm HCV nội dung 100m bướm đã giúp kình ngư người Đà Nẵng Hoàng Quý Phước đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam. Nhưng để tài năng phát huy tốt nhất, Hoàng Quý Phước cần được đầu tư một cách xứng tầm. Do Hoàng Quý Phước là trường hợp đặc biệt của bơi lội Việt Nam cũng như Đà Nẵng nên Thành ủy Đà Nẵng đã có chỉ đạo phải đầu tư xứng tầm với VĐV này. Theo đó, Đà Nẵng sẵn sàng bỏ kinh phí đầu tư để Phước đi tập huấn ở môi trường tốt nhất nhằm nâng cao thành tích. Theo đề nghị của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, năm 2012, Hoàng Quý Phước sẽ đi tập huấn tại Mỹ bằng nguồn kinh phí hợp tác giữa Tổng cục TDTT và UBND TP Đà Nẵng. Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng đã chính thức có tờ trình với lãnh đạo thành phố về vấn đề này. Hoàng Quý Phước cần được đầu tư xứng tầm ngay từ bây giờ là việc làm vô cùng cấp thiết. Với sự đầu tư đặc biệt này, người hâm mộ thể thao nước nhà hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai không xa, Quý Phước sẽ lại mang về những chiến công hiển hách, không phải ở sân chơi khu vực nữa, mà là tầm châu lục, thế giới.
Bài và ảnh: Anh Chi