Bước ngoặt lịch sử cho môn thể thao Vua

Một thập kỷ các cuộc tranh cãi về việc bàn thắng đã lăn qua vạch cầu môn hay chưa đã kết thúc hôm 6/7, với việc các nhà làm luật thuộc Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) phê chuẩn sử dụng công nghệ máy quét xác định bàn thắng.

 

Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke phát biểu trong cuộc họp báo tại Zurich (Thụy Sỹ) hôm 6/7, sau khi IFAB thông qua quyết định sử dụng công nghệ xác định bàn thắng. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Ủy ban liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) đã thông qua quyết định sử dụng hai hệ thống công nghệ riêng rẽ, mà Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke khẳng định sẽ được áp dụng tại VCK World Cup 2014 ở Brazil. Ông Valcke thông báo trong một cuộc họp báo tại Zurich: “Chúng tôi đã quyết định sử dụng hệ thống công nghệ này tại Cup vô địch các câu lạc bộ tại Tokyo (khai diễn tháng 12/2012), Cup các Liên đoàn (2013) và VCK World Cup 2014”.

 

Tin vui tiếp theo cho người hâm mộ bóng đá là IFAB cũng chính thức thông qua việc sử dụng tổ trọng tài 5 người, với sự bổ sung của hai trợ lý trọng tài đứng ở vạch vôi cầu môn mỗi bên. Phương án này đã được áp dụng thử tại các giải đấu lớn gần đây, trong đó có Champions League và VCK Euro 2012.


Ý tưởng này do UEFA khởi xướng và đã được đánh giá cao tại VCK Euro 2012 nhằm giảm thiểu các pha phạm lỗi xô đẩy trong vòng cấm địa (16m 50), cũng như hạn chế những pha ngã “ăn vạ” kiếm phạt đền của các cầu thủ.

 

Với những quyết định vừa được thông qua nói trên, Patrick Nelson - thành viên người Bắc Ireland thuộc IFAB – hân hoan cho rằng môn thể thao Vua đã trải qua một bước ngoặt lịch sử về luật chơi: “Quyết định chúng tôi đưa ra ngày hôm nay là tất cả những gì sẽ tồn tại lâu dài và tạo ảnh hưởng đến khắp làng bóng đá thế giới”.

 

Một pha "móc bóng" trên vạch cầu môn gây tranh cãi. Ảnh: Internet

Theo thông báo của IFAB, công nghệ xác định bàn thắng sẽ được sử dụng trong những tình huống mà tổ trọng tài trận đấu không thể xác định trái bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa bằng mắt thường. Những trường hợp này còn bao gồm cả tình huống trái bóng bật nảy qua phần dưới xà ngang khung thành và bị hậu vệ cản phá “móc ra”.

 

Các tuyển thủ Anh thẫn thờ sau khi bàn thắng của Lampard không được công nhận trong trận thua tức tưởi trước ĐT Đức tại VCK World Cup 2010. Ảnh: Internet

 

Áp lực và những tranh cãi luôn đè nặng lên FIFA sau một loạt các tình huống bi hài suốt nhiều năm qua, khi các đội bóng không được công nhận các bàn thắng cho dù chính xác nó đã lăn qua vạch vôi cầu môn.


Trường hợp “đau đớn” nhất xảy ra tại trận thư hùng Anh – Đức ở VCK World Cup 2010, khi pha ghi bàn của tiền vệ đội tuyển Anh, Frank Lampard bị trong tài từ chối dù rõ ràng bóng đã đi qua vạch vôi. ĐT Đức, ở thời điểm đó đang dẫn với tỷ số 2-1, đã thắng Anh chung cuộc 4-1. Phát biểu với hãng BBC, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng tỏ ra ngậm ngùi về bàn thắng bị từ chối của Lampard: “Trước đây, chúng ta đã không có những hệ thống công nghệ chính xác. Để có được quyết định ngày hôm nay, tôi phải nói “xin cám ơn Lampard”, sau những gì xảy ra ở Nam Phi”.

 

Theo thông báo, IFAB đã thông qua hai hệ thống, gồm “Mắt diều hâu” (Hawk-Eye) – vốn được sử dụng cho các môn tennis và cricket, dựa trên xác minh quang học của camera – và hệ thống GoalRef sử dụng mặt sân từ tính cùng một trái bóng đặc biệt để xác định bàn thắng.

 

Ông Valcke cũng khẳng định rằng các nhà tổ chức giải đấu sẽ được tùy nghi lựa chọn giữa hai công nghệ nói trên, vốn đã vượt qua các vòng thử nghiệm gắt gao của FIFA cùng 8 “đối thủ” công nghệ khác. Tuy nhiên, các hệ thống này còn phải vượt qua một cuộc thử nghiệm khác tại mỗi sân bóng mà nó được lắp đặt.

 

Dẫu vậy thì việc áp dụng công nghệ xác định bàn thắng của FIFA cũng không thoát khỏi “tiếng bấc tiếng chì”. Đương kim Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), Michel Platini đã có ý kiến bất đồng và cho rằng điều này chỉ càng mở đường cho việc sử dụng thêm nhiều công nghệ vào môn thể thao Vua.


Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) Alex Horne cũng trấn an: “Chúng tôi sẽ không xem xét bổ sung thêm bất cứ tiến bộ công nghệ nào nữa, chúng tôi chỉ xem xét duy nhất công nghệ xác định bàn thắng qua vạch cầu môn. Sẽ không thích hợp nếu như lại để cho các công nghệ thâm nhập vào sân cỏ và can thiệp quá sâu vào các quyết định của trọng tài, điều đó có thể phá hỏng quyền hành động của họ”.

 

 

Trần Long

 

Bóng đá nam Olympic Luân Đôn 2012: Sàn diễn của tuổi trẻ
Bóng đá nam Olympic Luân Đôn 2012: Sàn diễn của tuổi trẻ

Chỉ còn chưa đầy một tháng, Olympic Luân Đôn 2012 sẽ tưng bừng diễn ra. Trong khi danh sách các đoàn tham dự dần được chốt lại, một cuộc tranh cãi không nhỏ đang diễn ra ở nước chủ nhà Anh sau việc ngôi sao lừng lẫy David Beckham không được chọn vào đội hình bóng đá nam Vương quốc Anh.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN