Không chỉ mong muốn tổ chức một thế vận hội hoàn hảo để lại dấu ấn cho thế giới, các nước đăng cai Olympic đều đề ra mục tiêu đạt thứ hạng cao trong bảng tổng sắp huy chương. Tại Rio de Janeiro 2016, Brazil muốn nằm trong top 10 đứng đầu bảng xếp hạng.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Brazil giành HCV tại Olympic London 2012. Nguồn: Getty Images |
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết, nước này sẽ đầu tư thêm 1 tỷ real (500 triệu USD) nhằm đưa Brazil vào danh sách 10 nước đứng đầu bảng tổng sắp huy chương Thế vận hội mùa hè và đứng trong top 5 tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật khi đăng cai các giải này năm 2016.
2/3 số kinh phí trên được trích từ Ngân sách liên bang và 1/3 còn lại là tài trợ của các doanh nghiệp nhà nước. Đây là nguồn đầu tư bổ sung cho ngân sách dành cho Bộ Thể thao và các nguồn vốn tài trợ theo một số đạo luật khuyến khích thể thao với tổng trị giá 1,5 tỷ real (750 triệu USD).
Phát biểu trên chương trình truyền hình “Cà phê với Tổng thống” hàng tuần ngày 24/9, bà Rousseff cho biết, mục tiêu của kế hoạch mang tên “Huy chương Brazil” là bảo đảm điều kiện huấn luyện tốt nhất cho các vận động viên (VĐV). Chính phủ sẽ chi từ 5.000 đến 15.000 real/tháng (2.500 đến 7.500 USD) cho mỗi VĐV thi đấu các môn cá nhân đang nằm trong danh sách 20 VĐV xuất sắc nhất thế giới. Dự kiến, chính phủ sẽ dành 690 triệu real (345 triệu USD) cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, chính phủ dự kiến sẽ đầu tư 310 triệu real (155 triệu USD) để xây dựng, cải tạo và cung cấp trang thiết bị cho 22 trung tâm huấn luyện cao cấp, nơi các VĐV có điều kiện tiếp cận những thành tựu mới nhất của khoa học thể thao.
Theo Bộ trưởng Thể thao Aldo Rebelo, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư cho 21 môn thể thao Olympic và 15 môn Paralympic có nhiều khả năng giành huy chương.
Tại Thế vận hội London 2012, Brazil đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng, với 17 huy chương, trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 9 HCĐ. Tại Thế vận hội cho người khuyết tật, thành tích của Brazil nổi bật hơn: đạt 43 huy chương (21 HCV+14 HCB+8HCĐ), đứng thứ 7 toàn đoàn.