Bị chấn thương, các tay vợt vẫn kiên trì thi đấu

Chấn thương đầu gối dai dẳng phá hủy sự nghiệp của Rafael Nadal. Tương tự như vậy, Monfils chưa bao giờ để lộ ra là anh có vấn đề về đầu gối cho đến khi không thể thi đấu được nữa và bị các bác sĩ buộc dừng thi đấu để điều trị dài hạn. Các trường hợp điển hình khác như Jo-Wilfried Tsonga thi đấu khi bị đau tay, David Ferrer thi đấu khi đang sốt cũng vậy.

Vậy điều gì đã gây sức ép lên các tay vợt? Họ nên làm gì để chống lại chấn thương hoặc ít ra là biết được thể lực của mình ở mức nào để có thể tiếp tục thi đấu tiếp? Một câu hỏi tương tự, khi nào thì các tay vợt nên dừng lại để nghỉ ngơi khi đang gặp vấn đề về sức khỏe.

 

Cố thi đấu khi dính chấn thương đã khiến sự nghiệp của Nadal bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Nadal là một ví dụ rất rõ ràng cho việc chấn thương trở nặng khi cố gắng để chơi tiếp. Năm nào người ta cũng thấy Nadal dính chấn thương. Lần đầu tiên anh phát hiện chấn thương gân ở đầu gối là từ trận chung kết Wimbledon 2007, và sau đó đã tác động mạnh tới trận thua của anh ở US Open cùng năm trước David Ferrer ở vòng 4. Lần thứ hai là ở cuối năm 2008, đây cũng là năm thi đấu ấn tượng trong sự nghiệp của Nadal khi anh lần đầu vô địch Wimbledon, lên ngôi số một thế giới và vô địch Olympic, chấn thương đầu gối đã ngăn Nadal không thể tham dự Masters Cup (ATP World Tour) ở Thượng Hải. Lần thứ ba là sau Roland Garros 2009, anh nghỉ liền ba tháng, cho tới Rogers Cup mới trở lại. Lần thứ tư là ở Australian Open, khiến anh phải bỏ cuộc ở tứ kết khi mới thi đấu tới đầu set thứ ba với Andy Murray.


Mùa giải năm nay, Nadal vắng mặt ở rất nhiều giải đấu lớn như Masters 1000 ở Cincinnati (Ohio, Mỹ), Olympic ở London và Rogers Cup ở Canađa. Nếu như Nadal có kịp trở lại ở US Open 2012, thì đợt dưỡng thương này cũng kéo dài tới hai tháng - lâu nhất kể từ năm 2009. Nhưng Nadal không chỉ gặp chấn thương về đầu gối. Năm 2011, anh thua David Ferrer ở tứ kết Australian Open trong hoàn cảnh bị rách cơ bụng. HLV và là chú của anh, ông Toni Nadal, đã muốn anh bỏ cuộc giữa trận đấu ấy, nhưng Nadal từ chối vì không muốn hai năm liên tiếp kết thúc giải đấu này bằng một trận đấu bỏ dở.


Del Potro thi đấu tại giải Australian Open với chứng viêm gân cổ tay. Và kết quả là tay vợt người Áchentina sau đó đã phải nghỉ đấu mất một năm và bị buộc trải qua 2 cuộc phẫu thuật điều trị chấn thương nặng này. Tại Davis Cup diễn ra hồi tháng 9 năm nay, Del Potro tiếp tục cắn răng chịu đau để tiếp tục thi đấu cho Áchentina trong trận bán kết Áchentina gặp CH Séc.


Đa phần các tay vợt đều dính chấn thương trong các giải đấu lớn. Các chấn thương này đôi khi là chấn thương nhẹ hoặc do ảnh hưởng bởi sự căng thẳng tâm lý. Thách thức lớn mà các tay vợt, các huấn luyện viên phải đối mặt là biết phân biệt giữa tổn thương thực sự với những cơn đau thoáng qua. Chấn thương phổ biến nhất có thể kể đến là chấn thương vai do sức ép của đặc thù môn thể thao lên vùng vai. Tiếp theo là đến chấn thương lưng và đầu gối. Bên cạnh đó, chấn thương mắt cá chân là khủng khiếp nhất bởi sự đau đớn mà nó gây ra cho các tay vợt. Các tay vợt thường dính chấn thương này khi có những cú ngoặt gấp, hai chân xoắn gấp và đặc biệt khi có dấu hiệu mỏi mệt.


Công việc của các nhân viên y tế là đánh giá các nguy cơ chấn thương của các vận động viên, nhưng rõ ràng chính các ngôi sao cũng phải chịu trách nhiệm với sức khỏe của mình và có chế độ tập luyện thi đấu tiết giảm. Những chấn thương nhẹ là phổ biến và gần như không thể tránh khỏi, nhưng các tay vợt không được phép thi đấu trong điều kiện chấn thương nghiêm trọng hơn. Việc thi đấu khi bị chấn thương đôi khi là hành động ngu ngốc, các tay vợt có thể giành chiến thắng trong ngắn hạn nhưng sẽ thất bại trong dài hạn như các trường hợp đã nhìn thấy. Hơn nữa, thi đấu khi gặp chấn thương có thể đạt được thành tích nhưng nó thực sự không đáng để các tay vợt hy sinh cả sự nghiệp.


Lê Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN