Áo đấu của các Câu lạc bộ Anh giá bao nhiêu?

Ước tính, tổng trị giá tài trợ cho áo đấu của Premier League đã đạt mức kỷ lục là 166 triệu bảng Anh cho mùa giải 2013 - 2014. Trong số đó, Arsenal là đội bóng có mức tài trợ gia tăng nhiều nhất.


Tổng mức doanh thu từ tiền tài trợ áo đấu cho tổng số 20 CLB chơi cho Premier League tiếp tục tăng thêm bất chấp suy thoái về kinh tế. Mùa này tổng mức tài trợ đã tăng thêm 18,65 triệu bảng Anh so với tổng doanh thu của mùa giải trước 165,75 triệu bảng Anh. Đây tiếp tục là chiến thắng lớn cho nước Anh với những bản hợp đồng “béo bở” cho các đội bóng. Không những thế, sự gia tăng của tổng doanh thu tài trợ đã khẳng định sức mạnh của Premier League, một giải đấu không chỉ giúp các nhãn hàng thu lợi mà còn cho phép các CLB thu lời từ tất cả mọi thứ liên quan đến đội bóng.

 

Để có chữ đại diện trên áo đấu, Emirates đã phải trả cho Arsenal 30 triệu bảng Anh trong mùa giải này.


Bản hợp đồng tài trợ có mức doanh thu tăng trưởng bất ngờ mùa bóng này là từ Arsenal. Đội bóng này từng bán chữ đại diện trên áo đấu cho Emirates với giá 5,5 triệu bảng Anh/năm, mức thấp kỷ lục. Năm nay, mức tài trợ này đã lên tới 30 triệu bảng Anh một năm. Một loạt câu lạc bộ cũng có doanh thu quảng cáo trên áo đấu tăng mạnh như Tottenham (tổng giá trị 2 bản hợp đồng quảng cáo trên áo của đội này là 19 triệu bảng Anh). Tiếp đó là Chelsea, Stoke, West Ham, Swansea và Fulham.


Trong bối cảnh đó, một số CLB cũng có mức doanh thu sụt giảm. Sunderland từng gắn bó với hãng đầu tư châu Phi (Invest in Africa) với bản hợp đồng được định giá là 20 triệu bảng Anh mỗi năm. Thế nhưng chỉ sau một mùa bóng, nhà đầu tư này đã thoái lui, bỏ lại Sunderland với một bản hợp đồng khá khiêm tốn trị giá gần 5 triệu bảng Anh cho một tập đoàn thực phẩm Nam Phi có tên Bidvest. Đây được xem là mức tổn thất lớn nhất trong doanh thu áo đấu của một đội bóng tại Premier League. Aston Villa cũng trong tình trạng phải thay nhà tài trợ áo đấu, từ Genting với mức 5 triệu bảng Anh một năm sang Dafabet.com với mức giá trị hợp đồng 3 triệu bảng Anh một năm.


Cũng liên quan tới tài trợ áo đấu, Newcastle từng liên tục lên những trang tin nóng trong mùa hè vừa qua với bản hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá 24 triệu bảng Anh trong suốt 4 năm với nhà tài trợ mới Wonga, công ty cho vay nóng nổi tiếng xứ sương mù. Ngay lập tức, tiền đạo ngôi sao Papiss Cisse từ chối mặc loại áo đấu này. Cisse là một cầu thủ theo đạo Hồi mà theo lời răn trong Kinh Koran, các tín đồ không được phép đánh bạc, hưởng lợi từ việc cho vay tiền cũng như nhận tiền nhờ cho vay mà có từ người khác. Bởi thế, nếu Cisse mặc áo đấu có logo của Wonga, chẳng khác nào phản bội lại niềm tin tôn giáo của mình.


Trên thực tế, tổng mức doanh thu tài trợ áo đấu của Premier League còn hơn 166 triệu bảng Anh được thống kê nếu kể đến cả các hợp đồng lớn khác như hợp đồng trọn bộ đồ tập của Manchester United với AON trị giá 19 triệu bảng Anh. Trước đó, trọn bộ đồ tập của Manchester United được công ty chuyển phát nhanh DHL tài trợ với giá trị là 10 triệu bảng Anh một năm. Giá trị tài trợ này tiếp tục được hứa hẹn sẽ gia tăng trong mùa giải tới. Một số đàm phán bên lề giữa M.U với hãng Chevrolet đã cho ra con số tài trợ 52 triệu bảng Anh cho mùa giải sau áo sơ mi lễ phục hoặc gia tăng hợp đồng áo thi đấu cùng AON lên 30 triệu bảng Anh một năm.


Hiện có tất cả 10 CLB sử dụng áo đấu có in logo các công ty nước ngoài bao gồm Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Hàn Quốc, Mỹ, Philippine, Nam Phi, Thái Lan và Trung Quốc. Cùng với đó, năm nay các công ty cá độ cũng lên ngôi tại Premier League. Đã có ba công ty cá độ và hai công ty cho vay lãi trở thành nhà tài trợ cho các đội bóng.



Lê Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN