Ấn tượng FINA World Championship 2015

Cứ hai năm một lần, Giải vô địch bơi lội thế giới FINA World Championship lại là điểm đến đầy hứa hẹn cho các tài năng bơi lội. Các VĐV có thành tích tốt tại giải sẽ được xét thành tích thi đấu tại Olympic.

Bắn phá kỷ lục thế giới

Năm nay, FINA World Championship 2015 là bước chuẩn bị đáng chú ý cho sự kiện sắp diễn ra tại Olympic Rio, Brazil năm 2016. Địa điểm được lựa chọn cho sự kiện diễn ra từ ngày 24/7 - 9/8, tại Kazan (Nga).

Katinka Hosszu đã phá kỷ lục khó xô đổ nhất tại giải lần này.


Với sự quy tụ của 2.400 VĐV đến từ 190 quốc gia, FINA World Championship là một sự kiện lớn về quy mô với 6 bộ môn thi bao gồm bơi lội, lặn, ba môn phối hợp, bơi nghệ thuật, bóng nước và nhảy cầu. Trong đó, đại diện của Việt Nam có “cô gái vàng” người Cần Thơ đăng ký thi đấu ở các nội dung bơi 200m tự do, 400m hỗn hợp và 200m hỗn hợp. 

Theo đó, dù không vào được vòng chung kết để tranh chấp huy chương với các VĐV rất mạnh của thế giới, Ánh Viên cũng đã xuất sắc lọt vào vòng bán kết ở nội dung 200m hỗn hợp. Ngoài Ánh Viên, 3 kình ngư khác của Việt Nam cũng tham dự giải VĐTG là Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi và Hoàng Quý Phước. Tuy chưa có được thành tích tốt tại “biển lớn” nhưng cũng là cơ hội đánh giá thực lực của bơi lội Việt Nam, nhất là trong tương quan với các VĐV khu vực.

Tính đến nay đã có 4 kỷ lục thế giới ở bộ môn bơi lội được phá. Mở màn bằng kỷ lục bị phá đầy bất ngờ bởi VĐV Mỹ Katie Ledecky nội dung 1.500m tự do ngay ở vòng đấu loại. Với tâm lý thoải mái và được yêu cầu là thả lỏng để dưỡng sức cho các vòng đấu xa hơn của một trong những ứng cử viên vô địch ở nội dung này, Ledecky bất ngờ về đích sau khi vượt qua kỷ lục cũ do chính cô lập năm ngoái tới nửa giây. Kỷ lục mới của Ledecky là 15 phút 27 giây 71. Bất ngờ trước thành tích của cô ở chặng đầu, những phút cuối Ledecky đã được gia đình và ban huấn luyện cổ vũ để tiếp tục thành tích ấn tượng này để phá kỷ lục. Đây rõ ràng chưa phải là thành tích tốt nhất của Ledecky và khả năng chứng tỏ mình với kỷ lục mới ở vòng chung kết của cô vẫn đầy hứa hẹn. Ledecky là niềm hy vọng lớn của bơi lội Mỹ ở thời điểm hiếm hoi tài năng hiện tại cho giải đấu năm nay và cả Olympic tại Rio de Janeiro, Brazil năm sau.

Kỷ lục thứ hai được phá ở nội dung 100m bơi bướm của VĐV người Thụy Điển Sarah Sjostrom. Cô cũng tự phá kỷ lục của mình với thành tích 55 giây 64, tốt hơn kỷ lục cũ chỉ 1/100 giây.

Ấn tượng nhất trong số đó phải kể đến kỷ lục thế giới cá nhân nữ được giữ lâu nhất ở nội dung 200m hỗn hợp bởi VĐV người Hungary Katinka Hosszu, với thành tích 2 phút 6 giây 12. Cô vượt qua kỷ lục cũ do VĐV Ariana Kukors (Mỹ) lập năm 2009 là 2 phút 6 giây 15. Đáng chú ý, kỷ lục của Ariana Kukors được lập nên khi cô mặc một bộ quần áo có nhiều chức năng kỹ thuật mà ngay sau đó đã bị Liên đoàn bơi lội thế giới cấm sử dụng. Vì thế, kỷ lục này được xem là rất khó xô đổ, người có thành tích sát kỷ lục này nhất là Stephanie Rice cũng chậm hơn tới gần 1 giây. Được mệnh danh là “Quý cô thép” Katinka Hosszu đã khiến các CĐV nhà, trong đó có bạn trai mình rơi nước mắt vì hạnh phúc ở một kỷ lục khó xô đổ nhất.

Kỷ lục mới nhất được Cameron van der Burgh (Nam Phi) lập ở vòng loại nội dung 50m bơi ếch. Thành tích 26 giây 62 phá chính kỷ lục của anh lập được tại Rome năm 2009.
Không lập kỷ lục nhưng 4 VĐV Pháp Fabien Gilot, Jeremy Stravius, Mehdy Metella và Florent Manaudou tham dự nội dung 4x100m tiếp sức đã khiến làng bơi lội sững sờ trước chiến thắng đầy bất ngờ. Quan trọng hơn là họ vô địch ở nội dung xưa nay bị thống trị bởi những đội bơi Australia, Mỹ và Nga. Trong vòng 10 năm trở lại đây, kể từ Olympic 2004 tại Bắc Kinh, bơi lội Pháp mới có được những huy chương ở một sự kiện bơi lội lớn là Giải vô địch thế giới và Olympic. Tổng số huy chương họ có được trong thời gian này là 56, bao gồm 18 vàng. Trong khi đó, ở thế kỷ trước, Pháp cố gắng lắm cũng chỉ có được 32 chiếc huy chương tầm thế giới. Một thế hệ mới đã làm thay đổi nền bơi lội nước Pháp.

Đổi ngôi

So với FINA World Championships 2013 diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha), giải đấu năm nay tiếp tục đưa vào thi đấu bộ môn lặn sâu không giới hạn từng được đưa vào giải đấu lần trước. Bên cạnh đó là một số thay đổi như lần đầu tiên đưa vào thi đấu nội dung đôi nam nữ ở bộ môn bơi nghệ thuật. Nhờ đó, giải có số lượng bộ huy chương nhiều nhất trong lịch sử là 75 bộ huy chương.

Nhưng thay đổi đáng chú ý nhất sự “thay ngôi” tại giải. Nếu như năm ngoái, Mỹ vẫn tỏ ra quá mạnh khi dẫn nhất toàn đoàn với 15 HCV, 10 HCB, 9 HCĐ thì ở thời điểm hiện tại của giải đấu năm nay, Trung Quốc đang bỏ xa các đoàn còn lại với 11 HCV. Tiếp sau là nước chủ nhà Nga có 8 HCV, Mỹ đang xếp thứ ba với chỉ 4 chiếc HCV.

Một kịch bản không được chuẩn bị trước là trên bục nhận giải của bộ môn bơi lội thiếu bóng dáng các VĐV Mỹ. Sau hai ngày đầu thi đấu bơi lội, ngoại trừ VĐV 18 tuổi Katie Ledecky bảo vệ thành công ngôi vô địch 400m tự do ngay trong ngày trao huy chương bơi lội đầu tiên thì các VĐV tiềm năng khác như Connor Jaeger chỉ về đích thứ 4 ở nội dung 400m tự do, đội tuyển nữ tiếp sức 400m tự do chỉ có chiếc HCĐ. Nội dung vốn là niềm hy vọng vàng của Mỹ tiếp sức 400m tự do nam cũng chứng kiến sự “soán ngôi” đầy ngoạn mục của đội tuyển Pháp. Và việc 4 nội dung chung kết được định đoạt bằng thành tích ngày thi đấu đầu tiên không có những cái tên Mỹ thực sự là bi kịch đối với họ.

Thêm một điểm khác lạ là với kỷ lục mới của Katinka Hosszu, những ấn tượng không tốt về giai đoạn bộ quần áo bơi được áp dụng các yếu tố kỹ thuật hay còn gọi là “kỷ nguyên áo bơi” đã bị đẩy về quá khứ. Vào thời điểm, những chiếc áo bơi mang yếu tố kỹ thuật cao được áp dụng tại FINA World Championships 2009 diễn ra tại Rome (Italy), có tổng số 42 kỷ lục được phá bỏ. Trong đó, đáng chú ý nhất là những cú phá kỷ lục đẩy xa kỷ lục cũ vốn vang danh của các nội dung 100m bơi bướm nữ và 200m cá nhân hỗn hợp.

Minh Đăng
Nadal bị loại ngay vòng 1 giải Queen's Club Championships
Nadal bị loại ngay vòng 1 giải Queen's Club Championships

Hạt giống số 5 người Tây Ban Nha Rafael Nadal đã bất ngờ bị loại ngay ở vòng 1 giải Queen's Club Championships (London, Anh) sau 3 séc, trước đối thủ không được xếp hạt giống người Ukraine, Alexandr Dolgopolov.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN