Dấu ấn “Những bước chân của rồng”
Sau 22 năm ra đời, V-League đã có một khúc ca dành riêng cho mình. Khúc ca mang một cái tên rất đỗi hào hùng “Những bước chân của rồng”. Nhạc hiệu chính thức đó đã vang lên qua 4 vòng đấu khởi động của mùa giải 2022. Cuối tuần này, giai điệu đó tiếp tục được vang lên trên khắp các sân cỏ cả nước. Đó cũng chính là một bước đột phá để hướng đến sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức.
Khi trở lại với với thể thức thi đấu lượt đi - lượt về đủ 26 vòng, V-League 2022 đã cho thấy những cuộc so kè quyết liệt, nhiều sắc màu. Với một giải đấu “trường chinh” suốt 10 tháng, các CLB phải có những tính toán dài hơi và cụ thể cho từng trận đấu. Chính vì thế, mùa giải năm nay, đã thấy được những thay đổi rất căn cơ, đầu tư mạnh mẽ và nâng cấp về cơ sở vật chất ở từng đội bóng.
Không chỉ lo câu chuyện chuyên môn, những vấn đề liên quan cũng đã được mỗi CLB dành nhiều quan tâm, đầu tư. Cơ sở vật chất (phòng thay đồ, khu kỹ thuật, hạng mục vệ sinh…) ở mỗi sân vận động cũng sửa sang tinh tươm, sạch sẽ, hiện đại hơn. Sân Hàng Đẫy, Thống Nhất, Gò Đậu, Quy Nhơn đẹp không thua các sân đấu ở Giải Ngoại hạng Anh. Tất cả nhờ chuyển quyền quản lý, điều hành cho nhà tài trợ, “ông bầu” mới, các “sân ruộng” đã được thay da đổi.
Rõ ràng, việc từng bước “thay da đổi thịt” một cách đồng bộ, chỉn chu về cơ sở vật chất sẽ đáp ứng các điều kiện để tập luyện, tổ chức thi đấu. Nhận thức và tư duy làm bóng đá của mỗi CLB, từng địa phương đã dần thay đổi theo chiều hướng chuyên nghiệp, chỉn chu. Tín hiệu vui ở mùa giải mới đã được nhìn thấy như thế.
V-League thay đổi về chất
Vui với những bước “trở mình” của V-League nhưng chừng đó chưa đủ. Bởi ngoài những thay đổi về hình ảnh, công tác tổ chức cần những biến chuyển thật sự của của chất lượng giải đấu. Dễ thấy, bao năm qua, V-League tồn tại nhiều vấn đề “cố hữu”. Sự ổn định của các CLB luôn là vấn đề khiến cho V-League chưa thể vươn tầm trở thành sân chơi chất lượng. Đã có CLB ở mùa giải này cạnh tranh sòng phẳng chức vô địch, nhưng có thể giải thể ở mùa giải sau đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ.
Câu chuyện của Than Quảng Ninh để lại nhiều xót xa. Một số CLB ở V-League hiện vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư. Do đó, các CLB rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi nguồn lực của nhà tà trợ có vấn đề hoặc ông chủ không còn mặn mà với đội bóng. Làm sao để bóng đá hái ra tiền đúng nghĩa rồi “bóng đá tự nuôi bóng đá” vẫn như chờ câu hỏi cần lời giải.
Hay như công tác trọng tài vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của V-League nhiều năm qua. Do đó, nếu bóng đá Việt Nam muốn nhanh chóng phát triển đồng bộ với các nền bóng đá lớn khác cũng như các giải đấu quốc tế thì việc đổi mới công tác trọng tài là điều cần phải quan tâm.
Các trọng tài Việt Nam đạt chuẩn FIFA đang vắng bóng ở các giải đấu bóng đá khu vực và châu lục. Việc này không tác động trực tiếp đến sự phát triển của cầu thủ nhưng kinh nghiệm điều hành trận đấu quốc tế của các trọng tài FIFA là rất quý báu. Kinh nghiệm của trọng tài điều hành các giải đấu quốc tế khi cầm còi ở V-League sẽ giúp cho các cầu thủ Việt Nam nhanh tiếp cận hơn với sự khắc nghiệt ở các giải đấu lớn.
Chuyện “nóng” nhất gần đây được nhắc đến nhiều là cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ ở V-League. Có thể thấy thành tích, danh hiệu vẫn là quan trọng nhất đối với bất kỳ đội bóng nào. Do đó, để người trẻ được thi đấu nhiều hơn ở giải đấu khắc nghiệt như V-League không hề đơn giản.
Chính vì thế, những người làm bóng đá Việt Nam cần tạo ra một môi trường thi đấu tốt, tạo nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ phát triển. Bởi, môi trường thi đấu ở V-League mang tính quyết định đến tâm thế và sự tự tin của các cầu thủ khi “vươn ra biển lớn”. Làm sao để các cấp độ đội tuyển Việt Nam tránh được sự “đứt gãy” thế hệ. Hy vọng, V-League 2022 sẽ là bước đệm để cầu thủ trẻ được thể hiện bản thân.
Còn bây giờ, cùng chờ “những bước chân của Rồng” trở lại với rất nhiều gửi gắm và kỳ vọng.