Ngày 12/5 cũng là ngày thi đấu cuối cùng của bộ môn Điền kinh tại đại hội năm nay. Tuy không hoàn thành chỉ tiêu 14 HCV, nhưng điền kinh Việt Nam vẫn để lại những dấu ấn khó quên tại SEA Games 32. Nguyễn Thị Oanh trở thành VĐV điền kinh xuất sắc nhất của kỳ đại hội lần đầu tiên được tổ chức tại "Xứ Chùa Tháp", với 4 tấm HCV cá nhân. Sau khi về nhất ở các nội dung 5.000m, 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật, "chân chạy" 27 tuổi tiếp tục chứng minh cô không có đối thủ trên đường 10.000m khu vực, với thành tích 35 phút 11 giây 53. Đây là lần đầu tiên tại SEA Games, Nguyễn Thị Oanh tham dự nội dung 10.000m nữ - một trong những nội dung khắc nghiệt nhất của môn điền kinh.
Cũng trong ngày 12/5, VV điền kinh Nguyễn Thị Huyền cùng các đồng đội Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh đã giành HCV chạy tiếp sức 4x400m nữ, với thời gian 3 phút 33 giây 05. Đây là tấm huy chương thứ ba của Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 32 và là HCV thứ 13 của cô ở các kỳ SEA Games - một kỷ lục trong làng điền kinh Việt Nam.
Bốn HCV của Nguyễn Thị Oanh và ba HCV của Nguyễn Thị Huyền đóng góp hơn 50% tổng số HCV của điền kinh Việt Nam. Trong số 12 HCV Việt Nam giành được ở môn "thể thao nữ hoàng", các VĐV nữ đóng góp tới 11 HCV. Hiện Thái Lan nhất toàn đoàn ở môn điền kinh với 16 HCV, Việt Nam đứng thứ 2, trong khi Indonesia xếp thứ 3 với 7 HCV.
Cũng trong ngày 12/5, Wushu Việt Nam thi đấu thành công khi giành 5 HCV, trong đó có 4 chiến thắng trong 5 trận chung kết đối kháng. Vào buổi sáng, võ sĩ Nông Văn Hữu mở hàng cho Wushu với HCV nội dung Taolu. Đến buổi chiều, đồng đội của anh là Nguyễn Thị Lan, Bùi Trường Giang, Trương Văn Chưởng, Đinh Văn Bí mang về thêm 4 HCV ở các hạng cân đối kháng. Cùng với tấm HCV của Dương Thuý Vi trong ngày 11/5, Wushu Việt Nam kết thúc SEA Games 32 với 6 HCV - vượt xa chỉ tiêu 3 HCV đề ra trước khi khai mạc đại hội.
Những tấm HCV còn lại trong ngày thi đấu đến từ môn Taekwondo và Lặn. Taekwondo góp hai HCV, khi Phạm Quốc Việt, Nguyễn Thiên Phụng, Nguyễn Trọng Phúc vô địch nội dung Quyền tiêu chuẩn đồng đội nam và Nguyễn Ngọc Minh Hy, Nguyễn Thị Mộng Quỳnh, Hứa Văn Huy, Châu Tuyết Vân, Trần Đăng Khoa chiến thắng ở nội dung Quyền sáng tạo đồng đội. Lặn mang về 4 HCV, với các chiến thắng cá nhân của hai "kình ngư" Lê Thị Thanh Vân và Nguyễn Thành Lộc và các đội tiếp sức 4x200m nam và nữ.
Ở môn bóng đá nữ, các nữ cầu thủ Việt Nam đã vượt qua đối thủ Campuchia ở bán kết để vào chơi trận chung kết vào ngày 15/5 tới.
Tất nhiên, đi kèm với những thành công còn có cả những thất bại. Việc để tuột huy chương dù tưởng như đã nắm chắc và không bảo vệ được vị thế từng có ở kỳ đại hội trước đã để lại cho một số VĐV của Đoàn Thể thao Việt Nam nhiều nỗi buồn và bài học, đơn cử như trường hợp kiếm thủ Vũ Thành An (môn đấu kiếm).
Hiện Thể thao Việt Nam dẫn đầu bảng tổng sắp với 71 HCV, bỏ xa các đoàn còn lại.
Dưới đây là Bảng tổng sắp huy chương tính đến hết ngày 12/5:
1. Việt Nam: 71 HCV, 68 HCB, 78 HCĐ
2. Thái Lan: 60 HCV, 43 HCB, 66 HCĐ
3. Campuchia: 56 HCV, 47 HCB, 62 HCĐ
4. Indonesia: 50 HCV, 42 HCB, 61 HCĐ
5. Singapore: 38 HCV, 32 HCB, 37 HCĐ
6. Philippines: 31 HCV, 55 HCB, 73 HCĐ
7. Malaysia: 28 HCV, 34 HCB, 60 HCĐ
8. Myanmar: 15 HCV, 14 HCB, 43 HCĐ
9. Lào: 6 HCV, 14 HCB, 43 HCĐ
10. Brunei: 2 HCV, 1 HCB, 5 HCĐ
11. Timor Leste: 2 HCĐ.