Xuất khẩu Triều Tiên có thể giảm một nửa sau lệnh trừng phạt

Nền kinh tế Triều Tiên chịu thiệt hại nặng nề với quy mô xuất khẩu có thể giảm tới gần một nửa sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ra nghị quyết 2270 mở rộng trừng phạt nước này.

Nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu antraxit, than đá và quặng sắt. Ảnh: The Guardian

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 14/4 cho biết thông tin trên. Hiệp hội thương mại Hàn Quốc hôm 29/3 có báo cáo đánh giá “Các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình xuất nhập khẩu của Triều Tiên”, trong đó danh mục các mặt hàng của Triều Tiên bị áp lệnh trừng phạt có tỷ trọng chiếm tới 44,9% (số liệu thống kê năm 2014) trong tổng sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên.

Nghị quyết 2270 của HĐBA LHQ được thông qua hôm 3/3 vừa qua có nội dung cấm các nước giao dịch với Triều Tiên đối với 7 mặt hàng như quặng sắt, than đá, vàng, titanium, đất hiếm…, ngoại trừ những trường hợp có thể chứng minh không liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc chỉ phục vụ mục đích dân sinh.

Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên đạt 3,344 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc danh mục bị cấm chiếm gần 50% với 1,52 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu than đá của Triều Tiên chiếm một tỷ trọng lớn, đạt tới 1,143 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tỷ trọng xuất khẩu quặng sắt và thép lần lượt đạt 221 triệu USD (chiếm 6,6%) và 132 triệu USD (chiếm 3,9%). Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như vàng, titanium, đất hiếm… trên thực tế chiếm không quá 1%. Tuy nhiên, có tới 97% các mặt hàng thuộc danh mục cấm của HĐBA LHQ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Toàn bộ lượng than đá và quặng sắt trong giai đoạn từ 2010 – 2014 được xuất sang Trung Quốc.

Tỷ trọng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc, bao gồm cả các mặt hàng thuộc danh mục trừng phạt chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, đồng thời tỷ trọng này liên tục tăng trong thời gian 5 năm gần đây. 

Mặt hàng xăng dầu phục vụ ngành hàng không cũng thuộc diện cấm nhập vào Triều Tiên. Tỷ trọng nhập khẩu ước tính đạt khoảng 103,9 triệu USD. Mặt hàng xăng dầu phục vụ ngành hàng không chiếm không quá 2,6% trong tổng lượng nhập khẩu của Triều Tiên (4,44 tỷ USD). Tuy nhiên, việc ngăn chặn nhập khẩu xăng dầu hàng không có thể hạn chế tương đối các hoạt động quân sự như hoạt động của các máy bay phản lực.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, “với các lệnh trừng phạt của LHQ, Triều Tiên mỗi năm sẽ mất đi nguồn thu khoảng 1,5 tỷ USD, nếu kéo dài các biện pháp trừng phạt thì nguồn ngoại hối sẽ cạn kiệt, đồng thời nền kinh tế và công nghiệp của Triều Tiên sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng”; “Triều Tiên sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng không bị áp lệnh trừng phạt như quần áo…, nhưng cũng không dễ dàng do bị áp đặt lệnh trừng phạt tài chính và kiểm soát vận tải đường biển, hơn nữa nguồn cung cấp điện cũng không đảm bảo”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên - cần phải thực thi một cách đầy đủ nghị quyết của LHQ. Đây là vấn đề có ý nghĩa then chốt nhằm đảm bảo phát huy hiệu lực trên thực tế của các lệnh trừng phạt theo nghị quyết của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên.

Nguyễn Tuyên
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo thất bại
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo thất bại

Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung vào sáng sớm ngày 15/4 từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên, nhưng vụ phóng dường như đã thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN