'Xanh hóa' vùng sa mạc đầy nắng gió

Những trang trại cực kỳ hiện đại được xây dựng giữa sa mạc như một minh chứng cho quyết tâm của Dubai trong việc khơi dậy một "cuộc cách mạng xanh" để giảm bớt sự phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu.

Chú thích ảnh
Một trang trại ở Dubai. Ảnh: caterermiddleeast.com

Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) là quốc gia giàu dầu mỏ và nhân tài nhưng lại có ít đất canh tác và phải trải qua những mùa Hè khô hạn. Điều này không phải là vấn đề lớn đối với UAE trong nhiều thập niên khi dân số nước này vẫn còn thưa thớt. Tuy nhiên, sự giàu có nhờ nguồn tài nguyên giàu mỏ kể từ những năm 1970 đã thu hút người nước ngoài đổ về UAE. Thêm vào đó, dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng làm UAE quan tâm tới an ninh lương thực.

Một cuộc "cách mạng xanh"

Dubai - một trong bảy tiểu vương thuộc UAE - hiện có trên 3,3 triệu dân thuộc khoảng 200 quốc tịch với cuộc sống hàng ngày chủ yếu dựa vào nguồn nước khử muối đắt đỏ với nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng và đa dạng.

Theo số liệu thống kê chính thức, Dubai - giống như sáu tiểu vương khác tạo thành UAE - phụ thuộc rất nhiều vào lương thực nhập khẩu để đáp ứng tới 90% nhu cầu nội địa. Hàng hóa đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới bằng đường hàng không và những siêu thị tại đây có quy mô tương đương với những siêu thị lớn tại bất kỳ thủ đô nào của các nước phương Tây. Nằm ở khu vực mà tình hình căng thẳng địa chính trị thường xuyên có nguy cơ bùng nổ, thì an ninh lương thực dài hạn và khả năng tự cung tự cấp là chìa khóa để UAE tự bảo vệ mình.

Hơn một thập niên trước, UAE bắt đầu mua hoặc thuê đất nông nghiệp ở nước ngoài, chủ yếu ở Đông Phi, để đảm bảo nguồn cung lương thực ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng các vấn đề trên thực tế, bao gồm cả bất ổn chính trị, đã khiến UAE phải nghĩ tới việc chuyển sang thuê đất nông nghiệp tại Australia và Đông Âu. Nhu cầu giải quyết tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lương thực nhập khẩu đã dẫn tới các chiến lược đảm bảo an ninh lương thực của UAE bao gồm dự trữ lương thực và phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Trong thời gian qua, những trang trại cực kỳ hiện đại được xây dựng giữa sa mạc như một minh chứng cho quyết tâm của Dubai trong việc khơi dậy một "cuộc cách mạng xanh" để giảm bớt sự phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu. Trang trại vườn Al-Badia tại Dubai sản xuất một loạt loại rau được trồng trên hệ thống giá treo nhiều tầng, được kiểm soát ánh sáng cẩn thận và tới 90% lượng nước sử dụng để tưới tiêu là được tái chế. Mỗi cây trồng được cung cấp lượng ánh sáng, độ ẩm, nhiệt và tưới nước cho cây theo nhu cầu. Người phụ trách trang trại này Basel Jammal cho biết, đây chính là một “cuộc cách mạng xanh giữa sa mạc".

Lựa chọn cho tương lai

Giống như Al-Badia, một số trang trại tương tự cũng đang "mọc lên" ở Dubai và các khu vực ít phát triển hơn như Al-Ain và Ras al-Khaimah. Một nông dân khác có tên Abdellatif al-Banna cũng tham gia xu hướng đổi mới này và đã trồng dứa trong nhà kính bằng phương pháp thủy canh và bán sản phẩm của mình thông qua một nền tảng Internet. Tại trang trại riêng ở Al-Awir, ông Banna cũng thử nghiệm trồng hoa quả, rau và thậm chí lúa mỳ vào những tháng có thời tiết mát mẻ hơn, với hy vọng sẽ có đủ ngũ cốc đáp ứng nhu cầu của gia đình.

Ở những nơi khác, không xa bờ biển Dubai và những tòa nhà chọc trời hiện đại, một số trang trại chăn nuôi bò trong chuồng có máy lạnh giúp cung cấp cho thị trường địa phương các sản phẩm từ sữa chất lượng cao. Trong khi đó, cá hồi đang được nuôi những bể nước lớn được giám sát bởi một phòng điều khiển có thể mô phỏng quang cảnh bình minh và hoàng hôn bất chấp thời tiết nắng nóng bên ngoài.

Theo ông Omar Bouchehab, Chủ tịch Ủy ban An ninh lương thực của Dubai, các trang trại này thường thuộc sở hữu của các công ty tư nhân song luôn nhận được sự khuyến khích phát triển của giới chức Dubai. 

Hồi đầu cuộc khủng hoảng COVID-19, trong khi nhiều thành phố phát triển trên toàn cầu phải chứng kiến cảnh các kệ hàng thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu bị “vét” sạch tại các siêu thị lớn nhỏ, thì tại Dubai không có cảnh thiếu hụt về thực phẩm tươi sống hoặc các nhu yếu phẩm khác. Nhờ dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thông qua hãng hàng không Emirates, và ghế ngồi hành khách được điều chỉnh hoặc tháo ra để tăng sức chứa hàng hóa, Dubai thậm chí có thể đảm bảo tái xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm khác nhau sang các nước láng giềng.

Các nhà chức trách Dubai đã đưa ra kế hoạch nâng sản lượng nông nghiệp nội địa thêm 15% trong năm 2021 và tăng cường sử dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Giám đốc điều hành doanh nghiệp bán buôn Fresh Market của Dubai, Redha al-Mansouri tỏ ra lạc quan về tình hình an ninh lương thực của Dubai. Ông khẳng định, Dubai có đủ cơ sở hạ tầng và nguồn cung để đáp ứng nhu cầu lương thực của UAE và thậm chí là nhu cầu của các nước láng giềng.

Minh Trang (TTXVN)
Dubai sắp có nhà máy sản xuất 'siêu xe đỉnh cao' đầu tiên
Dubai sắp có nhà máy sản xuất 'siêu xe đỉnh cao' đầu tiên

Công ty sản xuất hypercar (siêu xe đỉnh cao) W Motors đang xây nhà máy đầu tiên ở Dubai. Trong tương lai, sẽ có hàng trăm hypercar siêu nhanh, siêu độc đáo và siêu đắt chạy trên đường phố Dubai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN