WHO kêu gọi châu Phi duy trì cảnh giác dù số ca mắc COVID-19 giảm mạnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/4 cảnh báo các nước châu Phi cần duy trì cảnh giác và cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro trước khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh WHO cho rằng châu lục này vẫn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh trỗi dậy và xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một điểm xét nghiệm ở Maiduguri, Nigeria. Ảnh: AFP/TTXVN

Văn phòng WHO tại khu vực châu Phi đã kêu gọi châu Phi cảnh giác với dịch bệnh trong bối cảnh "Lục địa Đen" đang ghi nhận số ca mắc giảm liên tục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại châu lục này. Cụ thể, số ca mắc mới theo tuần đã giảm trong 16 tuần qua sau khi tăng kỷ lục lên khoảng 18.000 ca mắc và 239 ca tử vong trong tuần kết thúc vào ngày 10/4, tương ứng với mức giảm 29% và 37%. 

Trong tuyên bố, bà Matshidiso Moeti, Giám đốc Văn phòng WHO tại châu Phi nêu rõ: "Mặc dù số cam mắc giảm, song điều quan trọng là các nước vẫn duy trì tinh thần cảnh giác và tiếp tục các biện pháp theo dõi, trong đó có giám sát gene để nhanh chóng phát hiện ra các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành, tăng cường xét nghiệm và tăng quy mô của chương trình tiêm chủng". Bà Moeti cũng nhấn mạnh tới nguy cơ số ca mắc gia tăng trở lại cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Bà nêu rõ: "Với virus vẫn đang hoành hành, vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng gây chết người hơn và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quan trọng trong ứng phó hiệu quả với số ca mắc gia tăng". 

WHO cảnh báo mùa Đông sắp đến khu vực Nam bán cầu từ tháng 6 đến hết tháng 8 tới. Do vậy, châu Phi đối mặt với nguy cơ cao xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới. Theo WHO, các biến thể mới có thể tác động tới diễn tiến tình hình đại dịch khi các biến thể phụ mới của Omicron là BA.4 và BA.5 gần đây đã được phát hiện ở Botswana và Nam Phi.

Trong bối cảnh một số nước ở châu Phi đang nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch,WHO còn kêu gọi các nước tại châu lục này cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của việc áp đặt các biện pháp phòng dịch và nhanh chóng tái áp đặt lại các biện pháp này trong trường hợp dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. 

Trong một động thái tương tự, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) John Nkengasong cũng cảnh báo các nước châu Phi nên tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt dù số ca mắc mới đã giảm tại châu lục này. 

Phát biểu họp báo ngày 14/4, ông Nkengasong nêu rõ: "Chúng ta không nên ảo tưởng rằng chúng ta đang trong đợt lây nhiễm thấp ở châu Phi và trên toàn thế giới, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không chứng kiến số ca mắc tăng trở lại. Chúng ta chứng kiến kịch bản này đã lặp lại nhiều lần". 
Theo số liệu của Africa CDC, từ ngày 11/3-10/4, số ca mắc mới tại châu Phi đã giảm 16% so với 1 tháng trước đó trong khi số ca tử vong do COVID-19 cũng giảm trung bình 2%. Ông Nkengason cho biết Africa CDC đã phân tích dữ liệu và nhận thấy đợt lây nhiễm thấp thường kéo dài từ 2-3 tháng.

Tính tới sáng 14/4, số ca mắc COVID-19 ở châu Phi đã lên tới 11.369.164 ca, trong đó có 251.666 ca tử vong và 10.741.624 bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện. Trong đó, Nam Phi ghi nhận số ca mắc cao nhất ở châu Phi với 3.733.919 ca, trong khi các nước Bắc Phi như Maroc và Tunisia ghi nhận lần lượt 1.164.052 ca và 1.038.668 ca.

Minh Châu  (TTXVN)
WHO cảnh báo COVID-19 vẫn chưa thể trở thành bệnh đặc hữu
WHO cảnh báo COVID-19 vẫn chưa thể trở thành bệnh đặc hữu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/4 cảnh báo vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN