Trong một tuyên bố, WB cho biết hai quan chức trên đã thảo luận về những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt khi đặt mua và triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời cho rằng các nước dư nguồn cung vaccine cần sớm chia sẻ vaccine càng sớm càng tốt. Ông Malpass bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với GAVI về chiến lược năm 2022, trong đó có việc tăng sản lượng vaccine cho những nước đang phát triển. Hai quan chức trên cũng cho rằng các quốc gia, nhà cung cấp, các đối tác phát triển cần minh bạch về các hợp đồng vaccine cũng như những yêu cầu và cam kết về nguồn cung và xuất khẩu quốc gia.
Trước đó, WB đã thông qua khoản hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD cho hoạt động phát triển, sản xuất, phân phối vaccine tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó khoảng 4 tỷ USD dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa năm nay. Ông Malpass lưu ý những khoản tiền này có thể được dùng để đồng chi trả cho sáng kiến phân phối vaccine COVAX và mua bổ sung vaccine ngoài tỷ lệ bao phủ cơ bản 20% dân số.
Cùng ngày 12/4, Cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Bruce Aylward cho biết cơ chế COVAX do tổ chức này dẫn đầu đến nay đã phân phối 38,7 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, và dự kiến phân phối được hơn 40 triệu liều vaccine vào cuối tuần này. Trong đó, hơn 40 nước tại châu Phi sẽ nhận được vaccine tính đến cuối tuần này và sẽ được phân phối gần 50% số liều vaccine nói trên qua cơ chế COVAX.
Tuy nhiên, ông Aylward cho biết COVAX gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine, đặc biệt là kể từ khi Viện Serum Ấn Độ - một trong những nhà sản xuất chủ chốt cung cấp vaccine cho COVAX – giảm lượng cung cấp vaccine do nhu cầu rất lớn đối với vaccine trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á. Theo đó, WHO hối thúc người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm vì vaccine chỉ là một trong những biện pháp để đối phó với COVID-19.