Thế nhưng cuối cùng ông cũng có các bước đi đột phá, khi tiến hành thu gom cổ phiếu của PetroChina năm 2012 và Apple hồi năm 2011. Bước chuyển đổi này mang lại trái ngọt cho Buffett, khi ông ghi nhận số lãi 3,5 tỉ USD từ khoản đầu tư vào PetroChina. Còn lượng cổ phiếu Apple mà Berkshire Hathaway nắm giữ trị giá 158 tỉ USD hiện chiếm tới 47% tổng mức tài sản vốn hóa trị giá 330 tỉ USD của quỹ.
Buffett sau đó còn thu gom cổ phiếu ngành năng lượng, như cổ phiếu Suncor Energy, Dominion Energy hay Chevron... Nhưng ông ra quyết định mua khi giá các cổ phiếu này trong xu hướng giảm. Gần đây, Warren Buffett dường như từ bỏ phương châm đầu tư nối tiếng bấy lâu thiên về đặt yếu tố an toàn lên trên. Cụ thể, tỉ phú người Mỹ đã giải ngân mạnh vào cổ phiếu ngành năng lượng, đồng thời tiết giảm nguồn tiền với cổ phiếu ngân hàng, công nghệ ở thời điểm giá dầu mỏ, khí đốt liên tục thiết lập mức đỉnh, còn cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh, giảm giá.
Nhà đầu tư huyền thoại phố Wall đã bổ sung danh mục đầu tư hai cổ phiếu “nóng” ngành dầu khí, đó là cổ phiếu của Occidental Petroleum (mã chứng khoán OXY) và Chevron (mã CVX), bất chấp cổ phiếu của hai tập đoàn này được giao dịch ở mức giá đỉnh trong nhiều năm.
Theo dữ liệu mới cập nhật của Berkshire, quỹ này đã mua vào 118,30 triệu cổ phiếu OXY trong các phiên giao dịch từ ngày 12-16/3, đưa tổng số cổ phiếu OXY mà quỹ nắm giữ lên 136,40 triệu cổ phiếu, tương đương với 14,6% cổ phần của Occidental Petroleum. Berkshire cũng nhận được bảo đảm về quyền đặt mua 83,9 triệu cổ phiếu OXY phát hành thêm với mức giá 59,62 USD/cổ phiếu.
Trước đó, quỹ đầu tư do Buffett đứng đầu cũng mua vào 9,4 triệu cổ phiếu Chevron trong quý 4/2021, đưa lượng cổ phiếu CVX mà Berkshire nắm giữ lên 38 triệu, với giá trị vốn hóa đạt 6,2 tỉ USD. OXY đã tăng giá gấp đôi trong vòng 12 tháng, còn mức tăng với CVX là 55% và cả hai cổ phiếu này đều đang được giao dịch ở mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng Buffett vẫn cho rằng OXY và CVX sẽ còn tăng giá nữa.
Buffett giải ngân mạnh vào OXY ngay tại thời điểm cổ phiêu này bứt phá mạnh, khi giá dầu trên thị trường thế giới leo thang do xung đột Nga-Ukraine, cùng với đó là một loạt các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chống Moskva.
Mới chỉ có Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, còn châu Âu về cơ bản vẫn muốn tiếp nhận nguồn dầu mỏ, khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nhiều nước cũng đã tự cấm vận nhập khẩu nguồn cung từ Nga. Ba Lan tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu dầu mỏ, than đá của Nga vào cuối năm nay. Mới nhất, ba nước vùng Baltic là Latvia, Estonia và Litva khẳng định không còn nhập khẩu khí đốt từ Nga kể từ ngày 1/4.
Nhưng những diễn biến này không xóa đi một thực tế: Thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung trong nhiều năm tới, dù là khủng hoảng Ukraine sớm được giải quyết hay không. Nguyên nhân phần lớn nằm ở việc thiếu hụt đầu tư đúng mức cho các dự án năng lượng hóa thạch vài năm gần đây.
Theo các chuyên gia hàng đầu trong ngành năng lượng, thị trường dầu mỏ gần như chắc chắn sẽ đối mặt với thâm hụt nguồn cung lớn trong thời gian tới. Trong Báo cáo Thị trường Dầu hàng tháng công bố hôm 16/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thế giới có thể tiến tới "cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất nhiều thập kỷ". Sản xuất dầu tại Nga trong tháng 4 có khả năng giảm một phần ba, tương đương 3 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân là các lệnh trừng phạt của phương Tây và những tác động đi kèm về pháp lý, bảo lãnh ngân hàng, logistics khiến lượng dầu xuất khẩu của Nga suy giảm.
Giới chuyên gia hàng hóa tại Standard Chartered thậm chí có cái nhìn bi quan hơn về sản lượng dầu thô cung ứng của Nga ra thị trường. Trong báo cáo ngày 9/3, Standard Chartered nhận định nguồn cung dầu thô từ Nga chỉ đạt 1,94 triệu thùng/ngày trong năm 2022, giảm 1 triệu thùng/ngày so với kỳ báo cáo tháng 2.
Theo Standard Chartered, lệnh trừng phạt cùng tâm lý e ngại dầu thô Nga, thiếu hụt vốn đầu tư, thiết bị, công nghệ cho hoạt động khai thác sẽ khiến sản lượng dầu thô của Nga suy yếu trong ít nhất là ba năm tới. Mức giảm sẽ đạt đỉnh vào quý 2/2022, với sản lượng đứng ở ngưỡng 2,3 triệu thùng/ngày.
Để tạo lập cung cầu thị trường, cần bổ sung tối thiểu nguồn cung 2 triệu thùng/ngày trong quãng thời gian còn lại của năm 2022. Ngay cả khi các bên đạt bước tiến đột phá về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, lượng dầu Tehran có thể cung ứng thêm cho thị trường chỉ ở mức 1,2 triệu thùng. Phần thiếu hụt còn lại sẽ dồn lên các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), chủ yếu là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) – hai nước có sản lượng dư thừa tiềm năng lớn nhất.
Quyết định giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ, với sản lượng 1 triệu thùng/ngày và kéo dài trong 6 tháng cũng không phải là giải pháp căn cơ giúp xử lý khủng hoảng nguồn cung. Theo Roger Read, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty chứng khoán Wells Fargo, mức 1 triệu thùng/ngày chỉ tương đương với khoảng 1% sản lượng toàn cầu/ngày và 5% nhu cầu tiêu thụ/ngày tại thị trường Mỹ. Xuất kho dự trữ chỉ mang tính chất “cứu thương”, chứ không khắc phục được những điểm nghẽn về cung cầu thị trường.
Trong bối cảnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Warren Buffett từ bỏ phương châm vốn trở thành nổi tiếng của cá nhân ông: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi".