Vệ tinh thời tiết đầu tiên của Liên Xô cũ rơi sau 43 năm

Vệ tinh thời tiết đầu tiên của Liên Xô cũ, Meteor-1 đã rơi xuống Nam cực ngày 27/3 sau 43 năm quay quanh quỹ đạo.

Meteor-1 là vệ tinh thời tiết hoạt động đầy đủ đầu tiên của Liên Xô cũ. Ảnh Internet.


Hãng tin Itar-Tass dẫn lời người phát ngôn Cơ quan vũ trụ Nga, Alexei Zolotukhin cho biết: “Theo các dữ liệu được cung cấp bởi Trung tâm Thăm dò vũ trụ Nga, các mảnh vỡ của vệ tinh Meteor-1 đã rơi vào bầu khí quyển trái đất vào 22h17 phút giờ GMT ngày 26/3 (tức 5h17 ngày 27/3 giờ VN)”. Ông Zolotukhin cũng cho hay, vệ tinh này đã rơi xuống vùng Queen Maud Land thuộc Nam cực.

Meteor-1 được phát triển từ thập niên 1960 và là vệ tinh thời tiết hoạt động đầy đủ đầu tiên của Liên Xô cũ. Thiết bị nặng 1,4 tấn này được phóng lên quỹ đạo vào ngày 26/3/1969, từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Nó đã cung cấp nhiều quan sát về các hiện tượng thời tiết của trái đất.

Thông tin từ Meteor-1 được cung cấp cho các trung tâm khí tượng thủy văn của Liên Xô và nhiều nước khác, tuy nhiên vệ tinh này chỉ làm việc trong khoảng hơn 1 năm. Theo NASA, Meteor-1 đã ngừng hoạt động vào tháng 7/1970 và tiếp tục bay quanh quỹ đạo từ đó cho đến nay.

Chính phủ Nga đang lên kế hoạch khôi phục mạng lưới vệ tinh thời tiết từ thời Liên Xô nhằm giúp quan sát các hiện tượng thời tiết, khí hậu trên khắp đất nước rộng lớn này.


T.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN