Quân đội Ukraine nã pháo tự hành 2S7 Pion tại vùng Donetsk về phía mặt trận Nga. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN
Trong khi đó, phía Nga tiếp tục triển khai chiến lược tiêu hao dài hạn với cường độ gia tăng.
Theo bài phân tích đăng trên Đài RT ngày 17/7, sau hơn hai năm giao tranh, cục diện xung đột tại khu vực phía Đông Ukraine cho thấy xu hướng chuyển dịch theo hướng bất lợi đối với Kiev. Quân đội Nga hiện chủ trương tiến hành các đòn tấn công mang tính đánh nhỏ, đánh chắc, kết hợp với hoả lực pháo binh, thiết bị bay không người lái (UAV) và không kích, thay vì sử dụng các mũi đột kích cơ giới quy mô lớn như giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Chiến dịch mùa hè năm 2025 của Nga đang diễn ra theo đúng nhịp độ chiến lược đã được hoạch định, với tốc độ tiến công tuy không nhanh nhưng ổn định tại các khu vực chiến lược như Donetsk và Pokrovsk. Trong khi đó, nhiều đơn vị chủ lực của Ukraine đã bị tổn thất nặng nề sau các đợt phản công không thành công, đặc biệt là chiến dịch ở vùng Kursk, buộc chính quyền Kiev phải gia tăng phụ thuộc vào lực lượng nghĩa vụ thay thế.
Vấn đề nhân lực đang nổi lên như một trong những thách thức cấp bách nhất. Thống kê đến giữa năm 2025 cho thấy, Ukraine đã ghi nhận hơn 107.000 trường hợp đào ngũ, tăng 20% so với cả năm 2024. Giới phân tích cho rằng đây là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả tác chiến của quân đội nước này. Việc áp dụng hình thức huy động quân cưỡng bức cũng tạo ra phản ứng tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định nội bộ và tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Trong điều kiện đó, Ukraine buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế nhằm duy trì khả năng phòng thủ. Một trong những trọng điểm chiến lược là phát triển và ứng dụng công nghệ UAV nội địa. Sản lượng UAV do Ukraine sản xuất trong nước được dự báo sẽ đạt 2,4 triệu chiếc trong năm 2025. Trên cơ sở đó, Kiev xây dựng các “vành đai phòng thủ” sử dụng UAV làm phương tiện kiểm soát chiến trường, nhằm bù đắp sự thiếu hụt về nhân lực và trang thiết bị truyền thống.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, khó có thể đảo ngược cục diện nếu phía Nga quyết định mở rộng quy mô chiến dịch quân sự. Đồng thời, chính quyền Kiev vẫn phải chịu sức ép duy trì hình ảnh chủ động trên mặt trận, dẫn đến việc tổ chức các chiến dịch có tính chất biểu tượng, tiêu biểu như vụ tập kích vào vùng Kursk năm 2024 - dù những hoạt động này tiêu tốn đáng kể nguồn lực chiến lược và ảnh hưởng đến thế trận phòng ngự chung.
Một vấn đề khác đặt ra là sự suy giảm của dòng viện trợ từ phương Tây. Trong bối cảnh tình hình nội bộ Mỹ và các nước châu Âu có nhiều chuyển biến, cùng với việc xuất hiện các điểm nóng mới trên toàn cầu, ưu tiên chiến lược đối với Ukraine không còn giữ vị trí trung tâm. Giới quan sát nhận định khả năng tiếp cận các gói viện trợ lớn từ Mỹ đang giảm sút rõ rệt. Một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu cân nhắc điều chỉnh chiến lược, bao gồm cả phương án đàm phán theo hướng thực dụng hơn.
Nhà phân tích Sergey Poletaev nhận định, mục tiêu chiến lược hiện tại của Nga không phải là mở rộng lãnh thổ mà là làm suy kiệt toàn diện tiềm lực quân sự của Ukraine. Trong trường hợp Ukraine không thể bù đắp tổn thất và cải thiện năng lực phòng thủ, cục diện xung đột vào cuối năm 2025 có thể bước vào giai đoạn chuyển biến mới, với nguy cơ đổ vỡ từng phần hệ thống phòng thủ.