Theo hãng tin Interfax, chiến sự lại nổ ra tại thành phố Donetsk từ tối ngày 5/10 đến sáng ngày hôm sau, bất chấp lệnh ngừng bắn đã được ký kết giữa các bên. Người dân tại các quận Kirovsky, Kuibyshevsky và Kyivsky trong vùng đã trải qua một đêm bất ổn, khi tiếng súng và đạn pháo liên tục vang lên. Đạn pháo đã rơi trúng 6 nhà dân, thiêu cháy một khu xưởng sản xuất, làm 2 người chết và 13 người bị thương.
Trước đó, quân đội Kiev cáo buộc lực lượng đối lập ở Donetsk đã dùng xe tăng yểm trợ tấn công sân bay 2 lần trong ngày và bị đẩy lui. 2 binh sĩ và ít nhất 3 dân thường đã thiệt mạng, nâng tổng số thương vong trong thời gian lệnh ngừng bắn lên 80 người từ cả hai phía xung đột.
Khói bốc lên tại sân bay Donetsk sau vụ pháo kích. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các đợt giao tranh này diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng lệnh ngừng bắn pháo là mục tiêu ưu tiên số một. Phát biểu khi đến thăm một đơn vị huấn luyện ở vùng Zhytomyr, ông Poroshenko tuyên bố: Nếu 24 giờ tới hoàn toàn im tiếng pháo, quân đội Ukraine sẽ rút về các vị trí đã định để tạo lập một hành lang phòng thủ an toàn, tạo điều kiện để Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát tình hình tại miền Đông cũng như việc rút pháo, vũ khí hạng nặng.
Diễn biến mới nhất này cho thấy, việc thực hiện thỏa thuận đạt được tại Minsk (Belarus) hồi tháng trước hiện đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Lực lượng ủng hộ liên bang hóa tại Donetsk mới đây đã liệt kê và công bố những thiệt hại đối với thành phố này trong thời gian gần đây và nói rằng "ngừng bắn còn tệ hơn giao tranh".
Hãng tin DW (Đức) bình luận, trong bối cảnh hiện nay, các bên liên quan sẽ không trực tiếp lên tiếng tuyên bố lệnh ngừng bắn là “vô giá trị”. Chính quyền Kiev hẳn nhiên muốn có được một thời gian “im tiếng súng” trước thềm cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 26/10 tới, theo đề xuất của ông Porsoshenko. Châu Âu cũng muốn duy trì “nguyên trạng” như hiện nay, vì không muốn đẩy quan hệ với Nga xấu thêm một bậc, nhất là trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực hiện phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, khi mùa đông đang đến gần. Về phần mình, Moskva cũng đã thể hiện thái độ thiện chí, khi quyết định cử các binh sĩ cùng với phía Ukraine thành lập một nhóm tiếp xúc giám sát, phối hợp với OSCE kiểm soát tuyến biên giới.
Trên thực địa, các máy bay không người lái của Áo phục vụ Phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE đã tới Ukraine hôm 6/10, như là một phần trong kế hoạch thực thi lệnh ngừng bắn ký ngày 5/9 giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi liên bang hóa tại miền Đông - Nam. Pháp và Đức dự kiến sẽ gửi thêm nhiều máy bay không người lái tới Ukraine. Chính quyền Kiev và quan chức OSCE cho biết, các máy này sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát các tuyến biên giới Nga - Ukraine.
Cùng ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã tới thủ đô Kiev và dự kiến có các cuộc thảo luận với giới chức Ukraine về trợ giúp của Mỹ đối với các chương trình cải cách và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Hoài Thanh