Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dich bệnh Mỹ (CDC) ngày 6/9 cho biết gần đây có ít nhất 5 người tử vong ở Mỹ sau khi hút thuốc lá điện tử, trong khi có hơn 450 trường hợp mắc bệnh phổi có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Trả lời tờ New York Times ngày 10/9, tỷ phú Bloomberg nhấn mạnh "đây là một cuộc khủng hoảng về vấn đề sức khỏe", đồng thời khẳng định các công ty sản xuất thuốc lá phải chịu trách nhiệm về điều này.
Theo ông Bloomberg, các công ty này đang nhắm mục tiêu vào trẻ em và khiến chúng gặp nguy hiểm khi quảng cáo rằng hút thuốc lá điện tử ít gây hại so với hút thuốc lá thông thường. Tỷ phú Bloomberg cũng chỉ trích Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã không hành động để ngăn chặn tình trạng này..
Theo kế hoạch, số tiền 160 triệu USD của ông Bloomberg dành cho chiến dịch chống thuốc lá điện tử sẽ được sử dụng trong 3 năm. Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là cấm thuốc lá điện tử sử dụng tinh dầu tạo hương thơm tại 20 thành phố và tiểu bang trên toàn nước Mỹ, đặc biệt đối tượng hướng tới là trẻ vị thành niên.
Theo một nghiên cứu của CDC, tình trạng trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng vọt tại Mỹ trong những năm gần đây. Năm 2018, tại Mỹ có khoảng 3,6 triệu học sinh trung học đã sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, tăng 1,5 triệu người so với năm trước đó. Vào tháng 6/2018, San Francisco, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn thuốc lá điện tử Juul đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm thuốc lá điện tử.
Kể từ năm 2007, tỷ phú Bloomberg đã chi hơn 1 tỷ USD nhằm hạn chế việc hút thuốc lá trên toàn cầu, vốn khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm. Trong thời gian giữ cương vị Thị trưởng thành phố New York dầu những năm 2000, ông đã ban hành lệnh cấm hút thuốc lá tại các nhà hàng và quán bar ở thành phố này.