Theo hãng tin Reuters, một cuộc khảo sát của công ty thăm dò ý kiến VTsIOM công bố ngày 8/4 đã đưa ra con số trên.
Ngoài ra, VTsIOM cho biết 78,9% số người được hỏi trong cuộc khảo sát mới nhất cho biết họ tán thành hành động của Tổng thống Putin, so với 64,3% trong cuộc thăm dò gần đây nhất trước hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tỷ lệ không đồng ý với hành động của Tổng thống giảm từ 24,4% xuống 12,9%.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Nga chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây. Điện Kremlin cho biết họ phải phi quân sự hóa Ukraine để bảo vệ những người nói tiếng Nga và phản ứng trước mối đe dọa từ NATO.
Các con số của VTsIOM tương tự như cuộc khảo sát của Trung tâm Levada được công bố vào ngày 30/3, trong đó tỷ lệ người Nga nói rằng họ đồng ý với hành động của ông Putin đã tăng lên 83% từ 71% hồi tháng 2.
Levada đã ghi nhận tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin tăng vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và lực lượng đòi độc lập đã giành quyền kiểm soát một phần khu vực Donbass, miền đông Ukraine.
VTsIOM cho biết họ khảo sát 1.600 người trên khắp nước Nga mỗi ngày và các cuộc thăm dò ý kiến hàng tuần là tính trung bình các phản hồi từ bảy ngày trước đó.
Cuộc thăm dò được công bố vào ngày 8/4 dựa trên ý kiến được thu thập từ ngày 28/3 đến ngày 4/4.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới ngày 8/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Moskva hy vọng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể hoàn tất trong tương lai gần. Ông lưu ý chiến dịch vẫn tiếp diễn và đang đạt được các mục tiêu, song song với thúc đẩy tiến trình đàm phán với Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev là không hề dễ dàng, nhưng Nga sẽ tìm cách đạt được tất cả các nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã chia sẻ tiến trình đàm phán giữa các phái đoàn Nga và Ukraine. Mặc dù tiến trình này không thực sự tốt đẹp, nhưng Moskva đảm bảo rằng tất cả các mục tiêu đề ra cho các cuộc đàm phán sẽ được hoàn tất. Ông cũng cho rằng Belarus nên cung cấp những đảm bảo về an ninh cho Ukraine trong tương lai, một khi Kiev khẳng định vị thế trung lập của mình. Ngoại trưởng Lavrov nói thêm: "Theo yêu cầu của phía Ukraine, sự trung lập, không tham gia các khối, phi hạt nhân nên kèm theo những đảm bảo về an ninh. Tất nhiên, chúng tôi đề xuất Belarus nên nằm trong số các quốc gia cung cấp đảm bảo như vậy".
Trước đó, ngày 29/3 vừa qua, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các phái đoàn Nga và Ukraine đã diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau cuộc họp, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết Moskva đã nhận được văn bản đề xuất của Kiev về một thỏa thuận. Ngoài ra, ông nhấn mạnh Nga đang thực hiện "hai bước đối với" Ukraine, đề nghị tổ chức cuộc gặp giữa hai tổng thống sớm hơn dự định - đồng thời với việc ký kết một hiệp ước hòa bình ở cấp độ các bộ ngoại giao và quân đội Nga sẽ giảm hoạt động ở các khu vực gần Kiev và Chernihiv.