Cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ các nước Lào, Campuchia và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan; lãnh đạo và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị đã ghi nhận các hành động và cam kết ưu tiên từ các hội nghị cấp cao trước đây của MRC và tính xác đáng của những nội dung này đối với các quốc gia thành viên MRC; nhấn mạnh tầm quan trọng của một tổ chức lưu vực sông dựa trên hiệp ước, mạnh mẽ, bền vững về tài chính trước tình hình thể chế tổ chức vẫn đang tiếp tục thay đổi trong lưu vực sông Mekong để quản lý hiệu quả tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên liên quan.
Tuyên bố cũng tái khẳng định cam kết chính trị cao nhất của lãnh đạo các nước thành viên đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và vai trò của ủy hội như là một cơ quan ngoại giao và hợp tác về tài nguyên nước hàng đầu trong khu vực và là một trung tâm tri thức trong tăng cường thực hiện các chiến lược, thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật cũng như chia sẻ dữ liệu và thông tin trên toàn lưu vực, qua đó thúc đẩy hợp tác hòa bình và cùng có lợi để đạt được tầm nhìn chung về một Lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuyên bố công nhận việc phát triển và sử dụng nguồn nước của sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến môi trường lưu vực và các cộng đồng dễ bị tổn thương, bao gồm các tác động xuyên biên giới cần phải phối hợp giải quyết, đặc biệt khi mà các tác động trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, như lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xói lở và bồi lắng lòng bờ sông, ảnh hưởng của sự dao động bất thường về mực nước và lưu lượng ở một số nơi trong lưu vực, sự suy thoái các giá trị môi trường và suy giảm nguồn lợi thủy sản do dòng sông bị chia cắt; khẳng định để giải quyết các thách thức của lưu vực vốn ngày càng trở nên phức tạp, cần cả các giải pháp quản lý lẫn phát triển để đảm bảo tính bền vững về tài nguyên môi trường, cần xác định các giải pháp đầu tư khác nhau và xem xét thỏa đáng mối liên kết giữa các ngành sử dụng nước, bổ sung quản lý vận hành, bao gồm quản lý vận hành liên hồ chứa xuyên biên giới, đặc biệt là việc chia sẻ số liệu vận hành kịp thời và thường xuyên từ các công trình khai thác sử dụng nước, xác định các dự án đầu tư chung góp phần đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng.
Tuyên bố kêu gọi MRC, tất cả các đối tác và các bên liên quan phối hợp tìm ra các giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức này, đồng thời nắm bắt các cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mekong bền vững và đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, toàn diện, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, phối hợp, hợp tác, tôn trọng chủ quyền.
Tuyên bố tái khẳng định cam kết cùng nỗ lực tăng cường hơn nữa vai trò của ủy hội nhằm đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng, và sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của Lưu vực sông Mekong; hoan nghênh sự thay đổi mang tính chiến lược về quy hoạch lưu vực chủ động và thích ứng, phối hợp trong quản lý vận hành các công trình, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia trong lưu vực, các đối tác và các bên liên quan tiếp tục hợp tác với ủy hội để duy trì thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995 và các thủ tục có liên quan, và để hỗ trợ việc triển khai Chiến lược Phát triển Lưu vực giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với Tuyên bố chung này và phù hợp với “Tinh thần Mekong”.
Tuyên bố cũng nêu rõ Hội nghị Cấp cao MRC quốc tế lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào năm 2026 tại Vương quốc Thái Lan.