Điểm tên những tù nhân chính trị Mỹ ở Iran và Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân đã đích thân ra tận sân bay để đón ba công dân Mỹ vừa được Triều Tiên trả tự do. Sự kiện diễn ra trước thềm cuộc họp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây không phải lần đầu tiên tù nhân chính trị đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán.

Ngày 9/5, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Tôi vui mừng thông báo với các bạn rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đang trên đường bay về từ Triều Tiên cùng ba quý ông mà mọi người đang mong ngóng gặp. Sức khỏe của họ dường như rất tốt. Và một cuộc gặp hiệu quả với ông Kim Jong-un. Ngày và địa điểm đã được chốt”.

Tổng thống Trump ra tận sân bay đón ba công dân Mỹ được Triều Tiên thả. Ảnh: Sky News

Sự kiện ba công dân Mỹ được thả có thể tạo thuận lợi, góp phần tạo ra một hội nghị thượng đỉnh thành công ở Singapore giữa ông Trump và ông Kim Jong-un.

Việc Triều Tiên thả ba công dân Mỹ diễn ra sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 giữa Iran và 5 quốc gia.

Tại thời điểm ký kết thỏa thuận có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Tổng thống Barack Obama bị chỉ trích vì tham gia đàm phán trong khi một số công dân Mỹ vẫn bị giam giữ ở Iran. Một vài người trong số đó, như phóng viên Jason Rezaian của tờ Washington Post sau này mới được thả.

Theo CNN, những bước dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Trump đã giúp thúc đẩy Triều Tiên thả ba tù nhân.

Trong khi đó, việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực thuyết phục Iran trả tự do cho 5 công dân Mỹ vẫn bị giam ở Iran.

CNN bình luận: Tù nhân chính trị từ lâu đã được các chính phủ sử dụng trên bàn cờ chính trị, đặc biệt giữa Mỹ và các nước như Iran, Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, việc tìm lại tự do cho tù nhân bị giam ở Triều Tiên đòi hỏi phải có sự tham gia của một đại diện cấp cao.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đàm phán điều kiện để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, đã tới Bình Nhưỡng để đón ba tù nhân là công dân Mỹ: Kim Dong Chul, Kim Hak Song và Kim Sang Duk.

Trước đó, ông James Clapper, khi đó là Giám đốc Tình báo Quốc gia, cũng đã tới Triều Tiên để đón Kenneth Bae và Matthew Todd Miller – hai người bị cáo buộc có hành vi thù địch với Triều Tiên. Họ được thả hồi tháng 11/2014 sau khi phải sống trong một trại cải tạo nhiều tháng trời.

Nhà báo Laura Ling phát biểu sau khi được Triều Tiên thả năm 2009. Ảnh: CNN

Nhà báo Laura Ling và Euna Lee đã được Triều Tiên phóng thích sau khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Bình Nhưỡng hồi tháng 8/2009 để đề nghị thả và đưa họ về nước.

Một số vụ phóng thích tù nhân khác không có kết cục tốt đẹp như vậy. Ví như vụ sinh viên Mỹ tên Otto Warmbier, người vừa được Triều Tiên thả năm 2017 trong tình trạng hôn mê. Anh này chết không lâu sau khi được đưa về nhà. Gia đình Otto đã được Tổng thống Trump mời làm khách khi ông đọc Thông điệp Liên bang năm 2018.


Theo danh sách của CNN, hiện có 5 người Mỹ đang bị giam ở Iran. Họ bị giam sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực năm 2015. Trong số đó có cha con Baquer và Siamak Namazi – hai người bị giam từ tháng 2/2017 và tháng 10/2015 rồi bị kết án 10 năm tù. Baquer Namazi tạm thời được thả 4 ngày trong năm 2018 do sức khỏe yếu.

Josh Fattal (giữa) Shane Bauer và Sarah Shourd tại sân bay Muscat trước khi bay về Mỹ năm 2011.

Ngoài ra, còn có Reza Shahini bị bắt tháng 7/2016 khi thăm gia đình ở Iran; Karan Vafadari - quản lý một phòng tranh nghệ thuật ở Tehran và bị bắt cùng vợ tháng 12/2016 và bị kết án 27 năm tù; Xiyue Wang, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Princeton bị kết án 10 năm tù hồi tháng 7/2017.

Iran cũng thả một số tù nhân Mỹ nhưng không đòi hỏi phải có đại diện cấp cao. Ví dụ như năm 2016, Iran đã thả bốn tù nhân, gồm Saeed Abedini, Amir Mirzaei Hekmati và nhà báo Rezaian theo thỏa thuận để đổi lại 7 tù nhân bị giam ở Mỹ.

Tháng 7/2009, Sarah Shourd, Shane Bauer và Joshua Fattal, ba sinh viên tốt nghiệp Đại học UC Berkeley, khi đi bộ dọc khu vực biên giới Iraq-Iran thì bị bắt giam. Shourd được thả năm 2010, hai người còn lại bị giam ở Iran tới tận tháng 9/2011. Án tù 5 năm của họ được giảm sau khi mỗi người nộp khoản tiền 500.000 USD.

66 con tin Mỹ đã bị bắt cóc ở Iran năm 1979. Ảnh: CNN

Tới nay, vụ bắt giữ con tin được biết tới nhiều nhất trong lịch sử Mỹ là vụ khủng hoảng con tin Iran bắt đầu từ năm 1979. Khi đó, 66 người Mỹ bị giam sau Cách mạng Hồi giáo lật đổi chính quyền khi đó tại nước này.

Số con tin giảm xuống còn 52 sau đó nhưng họ bị Iran giam 444 ngày. Các nỗ lực giải cứu đều bất thành và họ chỉ được thả vào ngày 20/1/1981 sau khi đàm phán diễn ra. Thời điểm đó, ông Ronald Reagan trở thành tổng thống Mỹ và các con tin được thả để đổi lại dỡ bỏ việc phong tỏa tài sản của Iran.

Thùy Dương/Báo Tin tức
IS âm mưu một cuộc khủng hoảng lương thực mới, dọn đường sang châu Âu?
IS âm mưu một cuộc khủng hoảng lương thực mới, dọn đường sang châu Âu?

Trong khi phiến quân Hồi giáo đang ngày một thất thế tại Trung Đông, dường như chúng lại tìm một địa điểm mới khác để gây rối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN