Truyền thông Đức đánh giá động lực đằng sau bức tranh kinh tế sáng màu của Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân trên cánh đồng xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Theo dự báo mới của WB, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,1% vào cuối năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Cả hai con số này đều cao hơn ước tính hồi tháng 4.

Động lực cho tăng trưởng là nhờ sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất, du lịch và đầu tư. Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng đạt mức tăng trưởng lớn hơn vào năm 2025, so với các nền kinh tế mới nổi khác cùng khu vực như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Nhà nghiên cứu Nguyen Khac Giang tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) đánh giá: “Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ lợi thế trong nước là dân số 100 triệu người với tầng lớp trung lưu đang gia tăng”.

Ngoài ra, các nhà đầu tư phương Tây đang chủ trương giảm phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, hướng tới mục tiêu mở rộng sang các quốc gia khác. Do đó, các quốc gia Đông Nam Á trở thành lựa chọn hàng đầu cho đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản và liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Một cơ sở sản xuất thép tại Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ngày càng thu hút các nền kinh tế phương Tây. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vào tháng 9/2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Nhiều nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này có trọng tâm là thúc đẩy lợi ích kinh tế.

Việt Nam hiện có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia, gồm Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024) và Pháp (10/2024).

Kênh DW cho rằng khoản đầu tư lớn từ Washington là chìa khóa cho các cơ hội kinh tế tại Việt Nam. Việt Nam đã trở thành địa điểm sản xuất quan trọng của Apple, gã khổng lồ công nghệ của Mỹ. Apple đã đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm qua.

Đáng chú ý, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ và đông đảo, với 58% trong tổng dân số gần 100 triệu người dưới 35 tuổi. Điều này khiến Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn.

Ông Sebastian Eckardt tại WB đánh giá: “Trong nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ phục hồi của nhu cầu xuất khẩu. Để duy trì đà tăng trưởng không chỉ trong phần còn lại của năm mà cả trong trung hạn, chính quyền nên tăng cường cải cách cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý cẩn thận các rủi ro tài chính mới nổi”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Tổng Giám đốc UNDP: Việt Nam là đối tác chủ chốt của Liên hợp quốc
Tổng Giám đốc UNDP: Việt Nam là đối tác chủ chốt của Liên hợp quốc

Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79, Tổng Giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN