Trung Quốc ‘tấn công quyến rũ’ Pakistan bằng đề án 46 tỉ USD

Ngày 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Pakistan, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là hợp tác kinh tế.

Chỉ vài tiếng trước khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt chân tới thủ đô Islamabad, tờ Thời báo Pakistan đã đăng tải bài xã luận của ông Tập Cận Bình với tiêu đề “Quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Pakistan mãi trường tồn”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong một cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Ảnh: AP


Theo bài viết, đây là chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2015, chuyến thăm được ông ví như là “trở lại mái nhà của người anh em”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống Mamnoon Hussain, Thủ tướng Nawaz Sharif và các nhà lãnh đạo khác của Pakistan nhằm định ra được khung hợp tác toàn diện, xây dựng một cộng đồng Trung Quốc – Pakistan “cùng vận mệnh”.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương có bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây, bất chấp những thay đổi của cục diện thế giới và khu vực. Trong bài xã luận, ông Tập Cận Bình cũng đề cập đến giấc mơ chấn hưng dân tộc mà Trung Quốc đang thực hiện, không chỉ vì lợi ích riêng, mà còn là hình mẫu hợp tác phát triển cùng thắng với các nước. Quan hệ Trung Quốc - Pakistan sẽ là hình mẫu cho hợp tác giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng - Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Đề án đầy tham vọng 46 tỉ USD

Trọng tâm chính trong các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và giới lãnh đạo Pakistan là hợp tác kinh tế, cụ thể là đề án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) với tổng giá trị lên đến 46 tỉ USD. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng mạng lưới đường bộ, đường sắt dài 3.000km, nối cảng nước sâu Gwadar của Pakistan với vùng Tân Cương cực Tây Trung Quốc.

Khi hoàn thành, hành lang này sẽ giúp Trung Quốc rút ngắn tuyến đường vận chuyển năng lượng nhập khẩu, không phải đi qua eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia. Cùng với đó là các dự án về hợp tác năng lượng. Hồi năm 2013, chính quyền Islamabad đã đồng ý nhượng quyền quản lý cảng Gwadar cho một công ty nhà nước Trung Quốc, đổi lại là khoản viện trợ, đầu tư trị giá 11 tỉ USD.

Sơ đồ "con đường tơ lụa" trên bộ (đỏ) và trên biển (vàng) theo đề xuất của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua


Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư 34 tỉ USD vào các dự án năng lượng, 12 tỉ USD vào các dự án hạ tầng giao thông. Trong chuyến thăm lần này, hai bên dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá khoảng 28 tỉ USD; 18 tỉ USD còn lại sẽ được ký vào những năm tiếp theo. Riêng về năng lượng, Trung Quốc sẽ bỏ 15,5 tỉ USD vào các dự án nhiệt điện, phong điện, thủy điện, điện mặt trời, giúp Pakistan – nước luôn trong tình trạng thiếu điện trầm trọng, có được nguồn cung mới lên đến 16.400 megawatt – tương đương tổng mức sản lượng hiện nay.

Giới phân tích nhận định, Pakistan hiện là đối tượng chính mà Trung Quốc muốn hướng tới qua sách lược “Tấn công quyến rũ” (Charm offensive). Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan chính là nơi giao nhau giữa Vòng cung kinh tế Con đường tơ lụa trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỉ 21  - còn được gọi tắt là Đề án “Vòng cung và Con đường”. Với kế hoạch này, Bắc Kinh ấp ủ tham vọng sẽ loại bỏ được các “nút thắt cổ chai” nối kết kinh tế ở châu Á, tạo lập được vị thế mới tại Trung Á và Nam Á, tiết giảm quyền lực của Mỹ và Ấn Độ tại các khu vực này.

Hồi cuối năm ngoái, chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến “Vòng cung và Con đường”, với cam kết sẵn sàng bỏ ra 40 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, chưa có nhiều đối tác tỏ ra mặn mà với đề án này. Chính quyền Pakistan bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng mà Trung Quốc đưa ra. Khi được hỏi về CPEC, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, Phát triển và Cải cách liên bang Ahsan Iqbal cho biết, đây là những dự án quan trọng và có tính khả thi, có tác động lớn đến sự chuyển đổi kinh tế của Pakistan.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nước này tỏ vẻ nghi ngờ, họ cho từ cam kết cho tới hiện thực là cả một quá trình dài, mà ở đó không chỉ có toàn “quả ngọt”. Đầu tháng 4 vừa qua, chính quyền Sri Lanka, một nước khác mà Bắc Kinh quyết “Tấn công quyền rũ”, đã quyết định xem xét lại 35 dự án đầu tư mà hầu hết trong số đó là các chủ đầu tư đến từ Trung Quốc.


Hoài Thanh (Tổng hợp)
 

Trung Quốc kiên trì 'rủ' Ấn Độ tham gia 'Con đường tơ lụa'
Trung Quốc kiên trì 'rủ' Ấn Độ tham gia 'Con đường tơ lụa'

Nhằm thuyết phục Ấn Độ tham gia “Con đường tơ lụa”, giới chức Trung Quốc đã có đề xuất mới để thu hút đất nước láng giềng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN