Theo báo Izvestia (Nga), thao trường huấn luyện NITCA ở Crimea, mà Ukraine từng cho Nga thuê, nay dự kiến sẽ được Trung Quốc sử dụng để huấn luyện phi công cho tàu sân bay đầu tiên của nước này. Ukraine cũng xem xét phương án cho Ấn Độ thuê thao trường đó.Hiện Trung Quốc và Ấn Độ đang chú trọng tăng tốc huấn luyện phi công lái máy bay trên tàu sân bay của họ. Tháng 9/2012, Hải quân Trung Quốc đã sở hữu tàu sân bay “Liêu Ninh” (trước đây gọi là Varyag) mua với giá hời, chỉ 20 triệu USD từ Ukraine với mục đích ban đầu là hoán tải thành trung tâm giải trí nổi. Tuy nhiên sau khi kéo về nước, Bắc Kinh đã nâng cấp con tàu này thành tàu sân bay.
Ngày 16/11, Nga cũng chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ tàu sân bay “Đô đốc Gorshkov”, Ấn Độ đổi tên thành Vikramaditya. Lễ chuyển giao chính thức sẽ diễn ra tại nhà máy đóng tàu Sevmash của Nga ở Severodvinsk.
Lịch sử NITCA, các chữ cái đầu của “cơ sở huấn luyện thử nghiệm hàng không trên đất liền” bắt đầu năm 1980. Cơ sở này được xây dựng tại sân bay Novofedorovka thuộc khu nghỉ mát Saki trên bán đảo Crimea. NITCA trở thành địa điểm phục vụ huấn luyện phi công cất hạ cánh trên tàu sân bay, và vì thế nó trông giống như boong tàu.
Năm 2008, trong thời gian chiến tranh ở Georgia, Tổng thống Ukraine khi đó Viktor Yushchenko đã tạm cấm sử dụng cơ sở trên. Kết quả là Nga phải đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở huấn luyện Eyske.
Crimea sẽ không bị ảnh hưởng về tài chính do tiền thuê cơ sở huấn luyện này Nga chuyển trực tiếp cho Bộ Quốc phòng Ukraine. Cũng có tin nói Nga không thay toán bằng tiền mà thanh toán bằng linh kiện máy bay. Tiền thuê cơ sở huấn luyện này ban đầu là 700.000USD/năm. Đến nửa cuối năm 2012, phí thuê tăng lên 2 triệu USD/năm và tới năm 2014 Nga không còn được thuê cơ sở này.
Izvestia bình luận trong giai đoạn quan hệ Ukraine-Nga lạnh nhạt, nhiều chính trị gia Ukraine xem Trung Quốc như một thị trường mới và là liều thuốc chữa đối với Ukraine. Người đứng đầu Hội đồng bộ trưởng Crimea, ông Anatoly Mogilev cho rằng những sản phẩm dự kiến dành cho thị trường Nga, sẽ đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Và trong “nhóm hàng hóa” này có thao trường huấn luyện ở Crimea.
Duy Trinh