Triều Tiên phớt lờ điện thoại của Hàn Quốc suốt 18 tháng

Mỗi ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc lại cử quan chức tới ngôi làng biên giới Panmunjom gọi điện sang Triều Tiên vào 9h sáng và 4h chiều. Song đã hơn 18 tháng, không một ai bên phía Triều Tiên nhấc máy.

Lính Hàn Quốc đứng từ bên phần lãnh thổ thuộc làng Panmunjom nhìn sang bên Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, trong bối cảnh Triều Tiên từng ngày tăng cường các cuộc thử vũ khí hạt nhân và đưa ra lời đe dọa, Bộ Thống nhất, đơn vị vẫn cần mẫn làm công tác cải thiện mối quan hệ giữa hai bên nhằm đem lại nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự.

Cách đây không lâu, bộ này vẫn còn là một trong những cơ quan quyền lực nhất của chính quyền Seoul. Bộ đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức hai hội nghị lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên và triển khai các dự án kinh tế chung vào những năm 2000. Tuy nhiên, tất cả những thành tựu này gần như biến mất sau gần 10 năm khi phe bảo thủ lên ngôi tại Hàn Quốc và do sự phát triển nhanh chóng của chương trình vũ khí, tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.

Vấn đề hạt nhân trở nên nghiêm trọng hơn nhiều khi đây không chỉ là vấn đề của riêng Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản, thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, đe dọa sẽ nhắm tới đất Mỹ và các quốc gia đồng minh, tuyên bố mục tiêu cuối cùng là “cân bằng sức mạnh quân sự” với Mỹ.

Thế giới đã phản ứng lại, tăng cường trừng phạt và gây sức ép quân sự lên Bình Nhưỡng. Tại Hàn Quốc, những quyết định quan trọng nhất về Triều Tiên đều xuất phát từ Văn phòng Tổng thống và Bộ Ngoại giao cùng Bộ Quốc phòng.

Bộ Thống nhất gần như chỉ có duy nhất nhiệm vụ đưa ra các thông cáo theo mẫu về những lần thử vũ khí và chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng.

Baik Tae-hyun – người phát ngôn của bộ trên cho biết: “Bạn cần hai bàn tay để vỗ tay, và Triều Tiên thì hoàn toàn không có phản ứng. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài mãi mãi. Có những thời điểm trong quá khứ, khi nó kéo dài 1 đến 2 năm, quan hệ hai nước mới ấm dần lên sau một thời gian thù địch”.

Cuộc bầu cử trong tháng 5 vừa qua với chiến thắng của một tổng thống phe dân chủ, kết thúc 9 năm chính quyền bảo thủ, được cho là sẽ mở ra một tia hi vọng mới. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phớt lờ đề xuất hồi tháng 7 của Bộ Thống nhất về các cuộc đàm phán Chữ Thập Đỏ và quân sự hai bên.

Theo Jeong Se-hyun – cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất dưới thời cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, việc bộ này kiên trì liên lạc với Triều Tiên là một việc làm cần thiết.

“Bộ vẫn phải tiếp tục nhắc nhở Bình Nhưỡng về những cuộc đàm phán Chữ Thập Đỏ và quân sự. Bộ vẫn phải gọi điện từ làng Panmunjom. Tình hình có thể nhanh chóng thay đổi và Triều Tiên có thể cảm thấy cần phải đối thoại. Khi họ muốn quay đầu, rất có thể họ muốn đàm phán với Mỹ đầu tiên, hãy để họ thử xử lý mọi việc trong các cuộc đàm phán với Washington mà đừng để Seoul dính líu vào, nó không hiệu quả đâu”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như đang dần thay đổi quan điểm về Triều Tiên sau một loạt các vụ phóng thử tên lửa và hạt nhân nước này, ông cho rằng đối thoại hiện giờ là “không khả thi”. 

Trong khi đó, một số nhà lập pháp từng có thời gian phục vụ trong Bộ Thống nhất lại phản đối, cho rằng Seoul nên vẫn tiếp tục tìm cách mở ra và thúc đẩy quá trình nối lại các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Chung Dong-young – người từng làm Bộ trưởng Bộ Thống nhất dưới thời cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, cho biết trong phái đoàn đặc biệt được cử tới Bình Nhưỡng vào tháng 6/2005 gặp mặt cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, Hàn Quốc thực sự nắm “đằng chuôi”. 

Kết thúc buổi họp mặt tháng 6 đó, 3 tháng sau tại Bắc Kinh, Triều Tiên lại tiếp tục đối thoại với Hàn Quốc, đồng ý chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lại lợi ích về năng lượng và an ninh.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Chuyện gì có thể xảy ra nếu Triều Tiên thực sự cho nổ bom H trên Thái Bình Dương?
Chuyện gì có thể xảy ra nếu Triều Tiên thực sự cho nổ bom H trên Thái Bình Dương?

Nếu như Triều Tiên thực sự cho kích nổ bom H trên Thái Bình Dương, thì dưới đây là một số viễn cảnh về thảm họa có thể xảy đến, theo như những gì đã xảy ra trong các vụ thử hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN