Điều đáng nói là nhiều nội dung trong số đó được lan truyền nhằm trục lợi từ doanh thu quảng cáo.
Những ví dụ điển hình cho hiện tượng nói trên là sự lan truyền các hình ảnh giật gân, những câu chuyện cứu hộ không có thật. Đây chính là cách mà kẻ xấu lợi dụng tâm lý hoang mang và nhu cầu tiếp cận thông tin sau thảm họa để lan truyền thông tin sai sự thật hòng trục lợi.
Ông Darrell West, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings (Mỹ), cảnh báo mọi người nên cảnh giác khi có những người đang kiếm tiền từ việc phát tán thông tin sai lệnh trên mạng xã hội.
Nhóm Digital Insight Lab - đơn vị điều hành các trang Facebook nhằm chống lại thông tin sai lệch và phát ngôn thù hận tại Myanmar - cho biết đã phát hiện nhiều bài viết lan truyền với nội dung sai sự thật về mức độ thiệt hại và sự tàn phá do động đất gây ra ở quốc gia Đông Nam Á này. Trong số những nội dung này có cả những đoạn video được quay tại Syria, Malaysia hoặc được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Một thành viên nghiên cứu của nhóm cho biết phần lớn những nội dung sai lệch như vậy là sản phẩm của việc tái sử dụng hình ảnh và video từ các thảm họa khác hoặc dựng nên nhờ công nghệ AI để tạo ra những câu chuyện không có thật.
Theo giới chuyên gia về công nghệ số, tình trạng tung tin giả sau thảm họa xảy ra khá phổ biến trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram và Tik Tok, từ việc sử dụng hình ảnh với chú thích sai lệch đến những đoạn video giả mạo về hoạt động cứu hộ cứu nạn, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.
Bà Jeanette Elsworth, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), cho biết: “Thông tin sai có thể khiến người dân hoảng loạn, khiến hoạt động sơ tán hoặc cứu hộ bị đình trệ hoặc khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan chức năng khi triển khai các hoạt động khẩn cấp. Khi đó, hậu quả thực sự khôn lường”.
Theo truyền thông Myanmar, số người thiệt mạng trong trận động đất xảy ra hôm 28/3 đã vượt quá 3.600, trong khi hơn 5.000 người bị thương và hàng trăm người vẫn mất tích.
Thực trạng phát tán thông tin sai lệch sau thảm họa xảy ra khá phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội trong những năm gần đây. Khi cơn bão Helene tàn phá nước Mỹ năm ngoái, đã có tin đồn sai lệch trên mạng xã hội liên quan đến việc chính phủ sử dụng ngân sách cứu trợ. Còn sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi năm 2023, nhiều đối tượng lại chia sẻ trên mạng xã hội những đoạn video ghi lại thảm họa sóng thần đã xảy ra trước đó ở Nhật Bản và Greenland, giả là cảnh quay tại hiện trường ở vùng thảm họa mới xảy ra.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy các trang web lan truyền thông tin sai lệch có thể kiếm được tới 2,6 tỷ USD/năm từ quảng cáo. Thực hiện nghiên cứu này là NewsGuard - công cụ giúp đánh giá uy tín của trang web và độ tin cậy của thông tin trực tuyến - và Comscore- công ty phân tích và đánh giá truyền thông toàn cầu.