Các lệnh trừng phạt, vốn bị Liên minh châu Âu (EU) phản đối, nằm trong một dự luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2020, được Tổng thống Trump ký tại căn cứ Andrews, một cơ sở không quân bên ngoài thủ đô Washington.
Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" qua lòng biển Baltic. Dự án này trị giá 11 tỷ USD và dự kiến tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông không hy vọng Washington sẽ từ bỏ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào dự án trên.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trả lời phỏng vấn nhân cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Vadim Prystaiko tại thủ đô Berlin, Đức, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh vấn đề quan tâm hiện nay của Đức là các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực thi như thế nào. Ông Maas cho hay Berlin sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với các đối tác Mỹ.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Prystaiko cũng phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Đức, song ông không đưa ra bất cứ bình luận nào về các biện pháp trừng phạt đối với các nhà thầu tư nhân có liên quan đến dự án "Dòng chảy phương Bắc 2".
Mỹ từng cảnh báo rằng việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang Tây Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moskva, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu. Ngày 17/12 vừa qua, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đều đã bỏ phiếu thông qua việc cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Dự luật trên yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 60 ngày phải thảo một báo cáo, trong đó nêu đầy đủ tên của các công ty và cá nhân liên quan đến dự án xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" và "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" - một đường ống khác từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu.