Đây là động thái nhằm thực hiện các cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, nhưng kế hoạch công bố danh sách những hành động cụ thể ngay từ ngày đầu tiên nắm quyền sẽ đảm bảo rằng việc khai thác dầu khí sẽ cùng với vấn đề nhập cư là một trụ cột trong chương trình nghị sự trong giai đoạn đầu của ông Trump.
Ông Trump cũng có kế hoạch bãi bỏ một số luật và quy định quan trọng về khí hậu của người tiền nhiệm là ông Joe Biden, chẳng hạn như tín dụng thuế cho xe điện và các tiêu chuẩn mới về nhà máy điện sạch nhằm loại bỏ dần than và khí đốt tự nhiên.
Ưu tiên hàng đầu của ông Trump sẽ là dỡ bỏ lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu LNG mới mà ông Biden ban hành trong năm diễn ra bầu cử và nhanh chóng phê duyệt các giấy phép đang chờ xử lý. Ông cũng sẽ xem xét đẩy nhanh việc cấp giấy phép khoan trên đất liên bang và nhanh chóng mở lại các kế hoạch phát triển dầu khí ngoài khơi bờ biển Mỹ trong 5 năm để thúc đẩy việc bán và thuê lại.
Tổng thống Biden đã ban hành lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu LNG tháng Một năm nay với lý do đánh giá lại tác động về môi trường. Nếu không có giấy phép xuất khẩu, các nhà phát triển không thể tiếp tục kế hoạch xây dựng những dự án mới trong nhiều năm. Chính quyền của ông Biden dự định công bố nghiên cứu về môi trường trước khi ông Trump nhậm chức ngày 20/1 nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền mới.
Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden, thời gian trung bình để phê duyệt giấy phép khoan dầu trên đất liên bang là 258 ngày, tăng so với mức trung bình 172 ngày trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Vì vậy, ông Trump có kế hoạch đẩy nhanh việc phê duyệt những giấy phép đang chờ xử lý, tổ chức các đợt đấu giá khai thác thường xuyên hơn và tập trung vào những khu vực có tiềm năng dầu mỏ cao.
Ông Trump cũng sẽ tìm cách phê duyệt dự án Đường ống Keystone. Đường ống vận chuyển dầu thô của Canada đến Mỹ này từng là điểm nóng về môi trường và đã bị dừng sau khi ông Biden hủy một giấy phép quan trọng ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, bất kỳ công ty nào muốn xây dựng đường ống trị giá hàng tỷ USD này sẽ cần phải bắt đầu lại từ đầu vì quyền sử dụng đất đã được trả lại cho chủ đất.
Nhiều nội dung trong kế hoạch năng lượng của ông Trump sẽ cần thời gian để Quốc hội hoặc hệ thống quản lý của quốc gia thông qua. Vì vậy, ông cho biết sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng vào ngày đầu tiên nhậm chức như giải pháp để vượt qua các rào cản và đẩy nhanh những chính sách mới.
Tổng thống đắc cử cũng sẽ kêu gọi Quốc hội cấp thêm kinh phí để bổ sung dự trữ dầu mỏ chiến lược, vốn đã bị giảm dưới thời ông Biden nhằm kiểm soát giá dầu tăng vọt trong bối cảnh xung đột tại Ukraine và lạm phát trong giai đoạn bùng phát đại dịch. Việc bổ sung dự trữ cũng thúc đẩy nhu cầu dầu ngắn hạn và khuyến khích sản xuất tại Mỹ.
Ngoài ra, chính quyền của ông Trump dự kiến gây sức ép lên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Đảng Cộng hòa đã chỉ trích việc IEA tập trung vào các chính sách giảm lượng khí thải. Các cố vấn của ông hối thúc cắt giảm tài trợ nếu IEA không chuyển trọng tâm sang các chính sách hỗ trợ lĩnh vực dầu khí hơn.
Mỹ là quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới và trở thành nhà xuất khẩu LNG số một vào năm 2022 khi châu Âu tìm nguồn cung thay thế Nga sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine.
Theo dữ liệu liên bang, sản lượng dầu trên đất liền và vùng biển liên bang đạt kỷ lục vào năm 2023, trong khi sản lượng khí đốt đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.
Hoạt động khoan trên đất liền và vùng biển liên bang chiếm khoảng 1/4 sản lượng dầu của Mỹ và 12% sản lượng khí đốt.