Toàn thế giới gần chạm mốc 420 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 17/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 419.829.234 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.872.598 ca tử vong. Trên 342,42 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn trên 70,7 triệu bệnh nhân chưa khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 17/2, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới giảm, dẫn tới việc chính phủ các nước cân nhắc kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron vẫn làm gia tăng tại nhiều nước. 

Cụ thể, Đức và Nga là hai nước đang chứng kiến số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất thế giới, lần lượt ở mức 235.626 ca và 180.622 ca. Biến thể Omicron hiện đã xuất hiện trên toàn bộ 85 vùng của Nga. 

Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy trong một ngày, với 93.135 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới tại nước này vượt con số 90.000 ca. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc gia tăng gần đây là do số ca mắc mới tăng mạnh tại vùng thủ đô Seoul trong làn sóng dịch bệnh mà Omicron đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo. Tính đến nay, có 86,2% dân số Hàn Quốc hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản và có 58,3% dân số đã tiêm mũi bổ sung. 

Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh trong nước thuyên giảm, Nhật Bản và Israel đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống COVID-19. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo nước này sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, theo đó, từ đầu tháng 3/2022, Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với các công dân Nhật Bản và người nước ngoài nhập cảnh vào nước này từ 7 ngày hiện nay xuống còn 3 ngày.

Thời gian cách ly sẽ kết thúc sau khi người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ nâng giới hạn về số người nước ngoài được phép nhập cảnh mới mỗi ngày từ 3.500 người hiện nay lên 5.000 người/ngày. Người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh vào nước này trong hạn mức trên ngoại trừ vì mục đích du lịch.

Chú thích ảnh
Một quán cà phê ở thành phố Tel Aviv ngày 16/2/2022. Ảnh: Vũ Hội/PV TTXVN tại Israel

Về phần mình, Thủ tướng Israel Naftali Bennett tuyên bố làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra tại nước này đã bị “bẻ gãy”. Ông Bennett cũng nêu khả năng sẽ dỡ bỏ hết các quy định phòng chống dịch bệnh. Thông báo của Văn phòng chính phủ Israel cho biết, các quy định về Thẻ Xanh, tức chứng nhận tiêm chủng hoặc miễn dịch với COVID-19, sẽ hết hạn vào ngày 1/3 tới và sẽ không được gia hạn. Các quy định vệ sinh dịch tễ đối với du khách nhập cảnh cũng sẽ hết hạn vào ngày 7/3, và Chính phủ Israel đang thảo luận xem có tiếp tục duy trì hay không.

Trước việc các nước dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, WHO kêu gọi các nước không nên chủ quan trước tình hình dịch COVID-19. Theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc giảm tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 nhiều khả năng sẽ dẫn đến giảm số ca nhiễm được ghi nhận, kể cả khi số ca tử vong vẫn đang tăng. Theo bà, mối quan ngại chính hiện nay là tình trạng gia tăng số ca tử vong do COVID-19. Chỉ riêng trong tuần qua, gần 75.000 người đã tử vong do căn bệnh này. Tuy nhiên, bà cho rằng con số thống kê này vẫn chưa đủ.

Đầu tuần này, WHO đã hối thúc các chính phủ cải thiện tỷ lệ tiêm phòng và tăng xét nghiệm nhanh, trong bối cảnh biến thể Omicron khiến số ca nhiễm không ngừng tăng, đặc biệt là tại Đông Âu. Một số quốc gia hiện đã thông báo kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 trong những tuần tới, nếu số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục giảm. Trước tình hình này, ông Ryan cảnh báo đây chưa phải là thời điểm để các nước điều chỉnh quy định cách ly đối với những người đã có kết quả dương tính khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR.

Nhằm tăng cường bảo vệ trẻ nhỏ trước dịch COVID-19, Cơ quan quản lý dược phẩm của Australia (TGA) đã cấp phép tạm thời sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna, mang tên SPIKEVAX, cho trẻ từ 6-11 tuổi. Quyết định trên được đưa ra sau khi TGA đã cấp phép sử dụng tạm thời vaccine này cho người từ 12 tuổi trở lên hồi tháng 9/2021. Như vậy, hiện vaccine SPIKEVAX sẽ cùng với vaccine của hãng Pfizer được khuyến nghị sử dụng cho trẻ em tại Australia.

Theo thông báo mới nhất của Moderna, công ty công nghệ sinh học của Mỹ này thông báo tháng 8 tới hãng có thể sẽ ra mắt loại vaccine đặc hiệu phòng ngừa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và được dùng để tiêm mũi tăng cường. Giám đốc điều hành Moderna - ông Stephane Bancel, cho biết hãng có thể có vaccine mũi tăng cường vào tháng 8, trước khi bước sang mùa Thu, thời điểm được cho là nhạy cảm với những người dễ bị tổn thương vì COVID-19. Hiện Moderna đang thu thập dữ liệu để so sánh hiệu quả của mũi tăng cường bằng vaccine đặc hiệu với mũi thứ ba bằng phiên bản vaccine hiện có.

Lan Phương (TTXVN)
Nam Phi cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của hãng Merck
Nam Phi cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của hãng Merck

Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) ngày 17/2 thông báo đã cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 dạng viên của hãng Merck mang tên Molnupiravir.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN