Phán quyết mới của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đồng nghĩa ông Torra sẽ phải từ chức. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới tại vùng lãnh thổ giàu có phía Đông Bắc Tây Ban Nha vốn đang chật vật kiềm chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Thời điểm chính thức bãi nhiệm ông Torra sẽ do Tòa Dân sự tối cao Catalonia quyết định. Hồi tháng 12, tòa án này kết tội ông sử dụng các biểu tượng của phe ủng hộ ly khai tại các tòa nhà công cộng ở Catalonia trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 4/2019. Bản án của Tòa Dân sự tối cao Catalonia kết luận truất quyền lãnh đạo một văn phòng công quyền của ông Torra trong 18 tháng, nhưng ông này được tại nhiệm trong quá trình kháng cáo.
Phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha nêu rõ các thẩm phán đều đồng tình với tòa án cấp dưới rằng ông Torra đã nhiều lần không tuân thủ các chỉ thị của Ủy ban Bầu cử trung ương về việc dỡ bỏ những biểu tượng trên khỏi các tòa nhà thuộc sở hữu của chính quyền địa phương trong quá trình bầu cử, qua đó bác bỏ đơn kháng cáo của ông Torra với bản án của tòa án cấp dưới.
Quyết định mới của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng vốn tồn tại từ lâu liên quan tới quy chế độc lập của vùng lãnh thổ này và có thể dẫn tới một cuộc bầu cử trước thời hạn. Nghị viện vùng Catalonia mới đây khẳng định sẽ không đồng thuận với mọi quyết định bãi nhiệm ông Torra và bản thân ông này cũng có thể sẽ chống lại phán quyết trên. Nhiều lời kêu gọi biểu tình phản đối phán quyết mới của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha cũng đã được đưa ra tại vùng này.
Vấn đề tách ra độc lập khỏi Tây Ban Nha là một trong những mồi lửa chính đang âm ỉ chờ cơ hội bùng phát tại Catalonia. Hồi tháng 10/2017, chính quyền vùng này đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập bất chấp lệnh cấm của tòa án Tây Ban Nha và đơn phương tuyên bố tách ra độc lập. Những động thái này đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, buộc chính quyền trung ương Madrid phải can thiệp, lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp, giải tán chính quyền vùng và kêu gọi bầu cử sớm. Cựu Thủ hiến Carles Puigdemont và một số quan chức vùng Catalonia đã rời khỏi Tây Ban Nha, trong khi những người ở lại đã bị đưa ra xét xử.