Một thành phố mất tích thời Trung cổ có tên gọi Mahendraparvata, từng tọa lạc và phát triển thịnh vượng trên một đỉnh núi tại Campuchia 1.200 năm trước đã được các nhà khảo cổ khám phá nhờ công nghệ chiếu tia lade từ máy bay trực thăng. Một ngôi đền tại thành phố mất tích. Ảnh: Sydney Morning Herald |
Tờ "Sydney Morning Herald" (Australia) ngày 15/6 cho biết di chỉ thành phố Mahendraparvata được phát hiện trong chuyến thám hiểm vùng Siem Reap của Campuchia do nhà khảo cổ học người Pháp Jean-Baptiste Chevance dẫn đầu. Tại Mahendraparvata vẫn còn nhiều ngôi chùa được rừng bao phủ hàng thế kỷ và chưa bị tàn phá, và đây được cho là nơi hình thành nên đế quốc Angkor năm 802 trước Công nguyên.
Đoàn thám hiểm đã sử dụng một thiết bị gọi là "Lidar" được gắn vào một chiếc máy bay trực thăng bay lại phía trên một ngọn núi phía Bắc đền Angkor Wat. Bằng hàng tỷ xung laze, thiết bị này đã cho phép các nhà khảo cổ học nhìn thấy những cấu trúc vuông vắn và hoàn chỉnh bản đồ của thành phố Mahendraparvata, điều mà họ chưa thực hiện được sau nhiều năm nhọc nhằn nghiên cứu địa bàn. Công nghệ trên còn thu về tọa độ định vị vệ tinh và giúp khám phá ra hơn 20 ngôi chùa chưa từng được ghi chép trước đó, cùng bằng chứng về hệ thống kênh mương và đường đi cổ xưa trong thành phố này.
Qua các hình ảnh thu thập được, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khảo cổ tại Campuchia của Đại học Sydney Damian Evans kết luận khu vực di chỉ thành phố Mahendraparvata hoàn toàn không còn thực vật. Ông Evans cho biết nhóm của ông hiện đang nghiên cứu tác động về mặt môi trường của sự tàn phá rừng và sự phụ thuộc vào quản lý nguồn nước đối với kết cục của nền văn minh tại đây.
TTXVN/Tin tức